BLV Hoài Sơn, một trong những BLV bóng đá đầu tiên trên sóng phát thanh ở Việt Nam đã qua đời vào sáng 27/2/2023, hưởng thọ 79 tuổi. Ông đã sống một cuộc đời “rực rỡ”, thỏa đam mê và ghi dấu ấn sâu đậm trong trái tim của nhiều người yêu thể thao
BLV Lê Hoài Sơn sinh năm 1945 tại Hà Nội trong gia đình trí thức. Từ nhỏ, ông đã theo cha đi kháng chiến chống Pháp cùng gia đình tại chiến khu Việt Bắc, tỉnh Thái Nguyên. Trong những năm học phổ thông tại Trường Lương Ngọc Quyến, ông là một học sinh thông minh, lanh lợi, có học lực tốt và thể hiện năng khiếu thể thao, yêu thích các môn bóng đá, bóng bàn, điền kinh và đã từng giành giải bóng bàn Các cây vợt trẻ tỉnh Thái Nguyên.
Sau này, Lê Hoài Sơn trúng tuyển vào học khóa I - Hệ Đại học Trường Cán bộ TDTT Trung ương (Từ Sơn, Bắc Ninh) và là một trong số các sinh viên xuất sắc. Ra trường năm 1967, ông có thời gian công tác 17 năm tại Nhà xuất bản TDTT (từ năm 1967-1984), từ biên tập viên đến phụ trách phòng Biên tập Nhà xuất bản. Sau đó, ông lần lượt công tác tại Ban Tuyên truyền, Văn phòng Tổng cục TDTT, Trưởng Ban biên tập Tạp chí Thể thao cho đến tháng 10/2006, khi ông nghỉ hưu.
Dẫu vậy, Lê Hoài Sơn nổi tiếng với vai trò là BLV bóng đá trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) từ năm 1967. Ông được coi là một trong những “cây đa, cây đề”, đặt nền móng cho nghiệp BLV bóng đá ở mảnh đất hình chữ S và gắn bó với nhiều thế hệ người yêu bóng đá Việt Nam từ trước những năm 1975 cho tới những thập niên 90 của thế kỷ trước. Cùng với đồng nghiệp là BLV Đình Khải, BLV Hoài Sơn đã đưa các trận đấu bóng đá đến gần hơn với thính giả cả nước.
Nhớ về người đồng nghiệp một thời từng cùng mình rong ruổi trên các SVĐ cả nước, BLV Đình Khải bồi hồi chia sẻ: “Về công việc Hoài Sơn rất chăm chỉ. Hoài Sơn vốn là dân TDTT nên nắm vấn đề rất tốt. Hoài Sơn và mình rất quý mến nhau. Hai người tuổi sàn sàn nhau, cùng trang lứa nên rất thân nhau, đồng cảm với nhau, tình cảm rất tốt. Mình vẫn ra nhà Hoài Sơn chơi và thỉnh thoảng Sơn cũng vào đây thăm hỏi nhau, động viên nhau. Trong quá trình làm việc thì cả hai cùng học hỏi lẫn nhau”.
Trong cuốn tự truyện “Đam mê” của mình, nhà báo, BLV Đình Khải từng chia sẻ rằng, tuy Hoài Sơn kém ông 2 tuổi nhưng lại là người đi trước, là “người thầy thầm lặng” của ông trong lĩnh vực tường thuật bóng đá. Nói là “người thầy thầm lặng” bởi trong thực tế, quan hệ giữa hai người chưa bao giờ là quan hệ thầy trò theo nghĩa thông thường. Ngày ấy, ông Đình Khải thường theo BLV Hoài Sơn ra sân tường thuật và học hỏi rất nhiều điều về cách thức tường thuật một trận bóng đá, để rồi sau đó ông và Hoài Sơn trở thành “cặp bài trùng” trong các chương trình bình luận bóng đá của Đài. Nếu như Hoài Sơn có ưu điểm là nhìn nhận trận đấu dưới khía cạnh chuyên môn để đưa ra những phân tích, đánh giá cục diện trận đấu sắc sảo, chuẩn xác, thì Đình Khải có lợi thế trong việc sử dụng ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ đời thường, đôi khi hài hước, dí dỏm, làm chương trình thêm phong phú, hấp dẫn.
“Mình là nhà báo mà Hoài Sơn chuyên nghề thể thao nên có thể biết hơn mình. Vì thế, mình luôn lắng nghe, có gì không hiểu thì hỏi và Hoài Sơn sẵn sàng nói với mình. Khi tường thuật, nghe bạn nói mình chỉnh sửa cho bạn, nghe mình nói bạn góp ý cho mình. Hoặc khi mình bình luận, có những chỗ mình không nhìn ra được thì đồng nghiệp lại nhắc cho mình hoặc mình đưa micro cho bạn nói. Mỗi người có một cách nói, khả năng nói khác nhau nên bù đắp cho nhau, tạo nên màu sắc đa dạng hơn”. – BLV Đình Khải tâm sự.
Với vốn kiến thức sâu về bóng đá, khả năng xử lý thông tin, trí nhớ tốt, cộng với trời phú cho giọng nói sôi nổi, rõ ràng, cuốn hút nên BLV Hoài Sơn được thính giả rất yêu mến. Ngày đó, những bức thư viết tay, những món quà nhỏ gửi theo đường bưu điện của thính giả cả nước là niềm động viên rất lớn với BLV Hoài Sơn. Nhờ có Đài mà ông nổi tiếng và cũng nhờ ông mà Đài có thêm vị thế trong các cơ quan truyền thông của nước ta.
Chia sẻ về người đồng nghiệp và cũng là đàn anh trong giới bình luận bóng đá, nhà báo Xuân Bách vẫn còn nhớ mãi hình ảnh BLV Hoài Sơn cởi trần, mặc quần đùi, mồ hôi như tắm, ngồi trên khán đài B sân Hàng Đẫy, dưới cái nắng nóng hầm hập 38-40 độ C của mùa hè Hà Nội, để tường thuật bóng đá. Đó là một hình ảnh minh chứng cho sự vất vả, gian khổ nhưng cũng đầy đam mê với nghề của BLV Hoài Sơn. Sự đam mê và nhiệt huyết ấy đã truyền lửa nghề cho những “đàn em” như BLV Xuân Bách.
“Lứa đàn em bọn mình học hỏi được các đàn anh nhiều cái lắm, về tư cách, đạo đức, cách sống, ứng xử… nhất là với anh Hoài Sơn. Trong công việc, đấy là một con người hết lòng vì công việc. Anh Hoài Sơn thực hiện các buổi tường thuật trên đài không bao giờ có sai sót nào hết, tính kỷ luật của anh rất cao. Anh ấy chuẩn bị rất kỹ cho mỗi buổi tường thuật bóng đá và buổi sau không bao giờ lặp lại những cái cũ mà luôn có cái mới. Muốn như vậy, anh ấy luôn học hỏi, tìm hiểu, nghe băng ghi âm bình luận của các BLV nước ngoài rồi phân tích. Anh Sơn rất chỉn chu, phù hợp với công việc tường thuật bóng đá của Đài. Bên cạnh đó, anh luôn luôn giúp đỡ người khác, không giấu nghề…” – Nhà báo, BLV Xuân Bách xúc động kể lại.
Ngoài khả năng nói, BLV Hoài Sơn còn là người có khả năng viết và thường “sản xuất” rất nhanh các bài báo, phóng sự, lời phát biểu, kịch bản dẫn chương trình, điểm tin thể thao tuần trên Đài Tiếng nói Việt Nam . Ông đã sống một thời sôi nổi hết mình vì công việc. Ngoài tham gia các buổi tường thuật bóng đá trên sóng phát thanh, ông còn tham gia bình luận World Cup Mexico 1986, Italia 1990, dẫn một số buổi chương trình SV96, chương trình trò chơi vận động trên sóng Đài truyền hình Việt Nam và các hoạt động lớn của Ngành TDTT…
Vậy nhưng, với nhà báo Nguyễn Lưu, Hoài Sơn luôn là một định danh có giá trị ở địa hạt sở trường của mình, mà khó có một ai đủ sức qua mặt. Trong cuốn “Những nhà báo thể thao mà tôi nhớ”, nhà báo Nguyễn Lưu từng viết về BLV Hoài Sơn như thế này: “Hoài Sơn đã bày tỏ nhận thức của mình ở địa hạt bóng đá thông qua mỗi trận đấu cụ thể bằng những sắc thái khác nhau của ngôn ngữ, lúc ngâm ngợi êm ả, khi tăng tốc theo bước chân những cầu thủ tấn công và lúc cao trào, anh có thể gào, quát hay hô vang lời mừng với sự say sưa đến hết mình. Tôi nhất quyết cho rằng, nếu giờ này mà anh có dịp trở lại với chiếc micro trong gian buồng nhỏ trên gác cao năm xưa, Hoài Sơn vẫn là số một”.