Nhạc sĩ Văn Dung và những bài ca đi cùng năm tháng

Tiến Mạnh - BảoTrang
Chia sẻ

(VOV5) - Các tác phẩm của nhạc sĩ Văn Dung gắn liền với làn sóng phát thanh và đã đi vào đời sống, là kho tư liệu quý giá trong lịch sử âm nhạc nước nhà.

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

 Ngày 8/3 vừa qua, Nhạc sỹ Văn Dung - một trong những nhạc sĩ lão thành của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, đã vĩnh biệt chúng ta để về miền cực lạc. Ông từ trần vào hồi 20h23 ngày 8/03/2022 tại Hà Nội, hưởng thọ 86 tuổi. Sự ra đi của ông để lại nhiều sự tiếc thương cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp và những người yêu nhạc. Gần 40 năm công tác tại Đài TNVN, các tác phẩm của nhạc sĩ Văn Dung gắn liền với làn sóng phát thanh và đã đi vào đời sống, là kho tư liệu quý giá trong lịch sử âm nhạc nước nhà. Thính giả nhớ đến ông là nhớ đến những trang nhật ký âm nhạc sống động, ghi lại những câu chuyện, sự kiện mà ông từng trải nghiệm.

Nhạc sĩ Văn Dung và những bài ca đi cùng năm tháng - ảnh 1Nhạc sĩ Văn Dung

Khi nói tới những sáng tác của nhạc sĩ Văn Dung, hẳn rằng ai cũng nhớ ca khúc Những bông hoa trong vườn Bác. Một ca khúc sâu lắng, chứa đựng những tình cảm thật giản dị, chân thành của nhạc sĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Riêng phần giai điệu của bài hát này được nhạc sĩ Văn Dung rất tâm đắc và coi như đó là một khúc romance xinh xắn nhẹ nhàng.

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Văn Dung đã chia sẻ về bài hát này: "Tôi đã viết Những bông hoa trong vườn Bác vào năm 1977. Ý tưởng của bài hát bắt đầu từ cái tứ “Bác Hồ là người trồng hoa vĩ đại. Mỗi người chúng ta sẽ là một bông hoa đẹp, xứng đáng với công lao của Người. Trong tôi, những chất liệu đã lắng sâu vào trong tâm hồn mình, và khi bắt gặp ý tưởng nào đó, tôi muốn thể hiện trong đó một cái gì đó thánh thiện. Khi xuất hiện ý tưởng đó, tôi không thể nghĩ điều gì khác. Và đến khi hoàn thành tác phẩm, nghe lại, tôi thấy những điều mình viết thật trong veo! ”.

Nhạc sĩ Văn Dung sinh ngày 15/1/1936 tại Hà Nội. Năm 1960, ông theo học lớp báo chí Trung ương do Ban Tuyên giáo tổ chức, thuộc Phân hiệu II của Trường Nguyễn Ái Quốc. Năm 1961 ông về công tác tại Ban Công nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam. Một thời gian sau, nhạc sĩ Cầm Phong đã đề nghị nhạc sĩ Văn Dung tham gia làm biên tập âm nhạc. Tháng 5/1993 ông được bổ nhiệm là Chủ nhiệm chương trình ca nhạc mới - Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông đã gắn bó cả cuộc đời mình với Âm nhạc tại đây cho tới ngày nghỉ hưu – tháng 4/1998. Nhạc sĩ Văn Dung nguyên là Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội (2014-2016).

Nhớ về nhạc sĩ Văn Dung, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể: "Anh Văn Dung từng là một phóng viên trước khi là nhạc sĩ. Môi trường công tác giúp cho nhạc sĩ Văn Dung thâm nhập thực tế đời sống, từ đó có những cảm xúc gần gũi để viết nên những bài hát. Tốt nghiệp báo chí, từ công việc của một nhà báo, để lại nhiều ấn tượng để sau này anh ấy viết nên những ca khúc mang nhiều dấu ấn, bởi anh ấy đã viết bằng những tình cảm chân thành, chạm tới tình cảm của công chúng yêu nhạc".

Vốn là một nhà báo, Nhạc sĩ Văn Dung luôn có những phát hiện tinh tế mọi mặt biến đổi trong đời sống xã hội và trong đời sống nội tâm của con người. Từ đó kết hợp với trải nghiệm thực tế và vốn kiến thức về văn hóa nghệ thuật đã giúp ông chuyển hóa thành những cung bậc âm nhạc, lời ca. Vì vậy, các ca khúc của nhạc sĩ Văn Dung luôn có điểm gì đó rất mới, rất sang trọng, rất sâu sắc nhưng lại rất giản dị, gần gũi với đông đảo công chúng yêu nhạc. Điều này đã được thể hiện ngay trong rất nhiều bài hát mà nhạc sĩ Văn Dung đã sáng tác vào những năm 1965 đến 1971, khi ông đã có dịp đi thực tế ở phía Bắc Quảng Trị: Khe Sanh, Trường Sơn, Đường 9 Nam Lào, như các tác phẩm: "Giải phóng quân ta ra đi", "Tiến về Khe Sanh", "Đường Trường Sơn xe anh qua", "Bài ca Đường 9 chiến thắng"

Âm nhạc đã được thăng hoa trong tâm thức của một nhà báo mang tâm hồn nhạc sĩ rong ruổi trên những chặng đường biết bao gian khổ, hy sinh, dùng lòng nhân ái để đối lại với sự hủy diệt. Trước sự khốc liệt của chiến tranh, vậy mà trong giai điệu lời ca của ông lại rất trữ tình, trong sáng.

Có thể nói, những đề tài trong các tác phẩm của nhạc sĩ Văn Dung vô cùng phong phú, với những góc nhìn đa dạng về cuộc sống. Dường như những ca khúc của ông là những trang nhật ký sống động, ghi lại những câu chuyện và hình ảnh trong đời sống để chuyển hóa thành hình tượng âm nhạc, từ đó trở thành những bài ca có sức sống vượt không gian, thời gian, đi cùng năm tháng.

Công chúng yêu nhạc đã quen thuộc với rất nhiều ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Dung. Từ những bài hát viết cho thiếu nhi như: “Chim chích bông”, “Em đố mẹ em”,… đến các ca khúc dành cho thanh niên và nhiều mảng đề tài về các ngành nghề, vùng miền trên cả nước. Bên cạnh đó còn có những khúc tình ca đầy lãng mạn về tình yêu mà nhạc sĩ đã dành cho cuộc đời này.

Có thể nói, những cung bậc tình cảm trong âm nhạc của ông thật đa sắc màu, là những thanh âm trong tâm thức của người nhạc sĩ tài hoa, có chiều sâu về văn hóa dân tộc, mang nhiều trải nghiệm thực tế và sự hồn nhiên trong tình yêu chân thành để trải lòng với cuộc đời này. Điều đặc biệt, từ trước đến nay nhạc sĩ Văn Dung chỉ nhận mình là một nhà báo, trong khi đó những ca khúc của ông đã đi vào đời sống, là kho tư liệu quý giá trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Cát Vận bày tỏ thật nhiều tình cảm với nhạc sĩ Văn Dung: "Trong âm nhạc của nhạc sĩ Văn Dung, tôi thấy tính triết lý được thể hiện rất đa dạng. Từ giai điệu cho đến lời ca đều đầy ắp hình tượng của cuộc sống, đầy hình tượng của thiên nhiên, đầy hình tượng của tình cảm. Gần nửa thế kỷ làm việc tại Đài TNVTNV, có lẽ sinh lực và tình yêu của anh dành hết cho Đài TNVN. Cả hai vợ chồng nhạc sĩ Văn Dung và nghệ sĩ Tuyết Nhung đều có sự đóng góp rất lớn cho diện mạo âm nhạc của Tiếng nói Việt Nam phát triển".

Những ai đã từng được gặp gỡ với nhạc sĩ Văn Dung đều có những ấn tượng tốt đẹp. Mỗi lần gặp ông đều có những điều thú vị để cùng chia sẻ. Có thể là một bài hát mới sáng tác, một bài báo hay, hoặc một tứ thơ mới để đọc. Lúc nào ông cũng bận rộn với nhiều công việc không bao giờ ngừng lại.

Với những đóng góp cho Đài TNVN và nhiều ca khúc nổi tiếng trong nền âm nhạc Cách mạng, nhạc sĩ Văn Dung đã ghi danh tên tuổi của mình một cách xứng đáng trong lịch sử âm nhạc VN. Ông đã được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I năm 2001.

Nhạc sĩ Văn Dung đã từ biệt chúng ta để chuyển cõi đến vùng cực lạc, nhưng hình ảnh, tài năng, đức độ, sự hồn hậu, lòng bao dung và những cống hiến về âm nhạc của ông đã kết nối được với trái tim của đông đảo công chúng, những tác phẩm của ông sẽ mãi còn vang vọng, có sức sống vượt không gian, vượt thời gian và trở thành những bài ca đi cùng năm tháng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu