Việt Nam ứng phó với bão Noru - Cơn bão mạnh nhất trong 20 năm

Chia sẻ
(VOV5) - Bão Noru, cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua dự báo sẽ đổ bộ vào miền Trung Việt Nam đêm 27/9, rạng sáng 28/9. 
Việt Nam ứng phó với bão Noru - Cơn bão mạnh nhất trong 20 năm - ảnh 1TP. Đà Nẵng họp Ban Chỉ huy Phòng chống bão số 4: Ảnh/VOV

Các tỉnh miền Trung đã gấp rút lên phương án, sẵn sàng ứng phó với cơn bão này.

Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão tại khu vực miền Trung, bắt đầu hoạt động ngày 26/9. Phó Thủ tướng Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai Lê Văn Thành làm Trưởng ban Ban chỉ đạo tiền phương. Ban chỉ đạo tiền phương hỗ trợ các địa phương trực tiếp theo dõi, chỉ đạo trực tiếp, đồng thời thường xuyên báo cáo Thủ tướng để có những giải pháp trong tình huống khẩn cấp cho các địa phương.

Tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu chủ các hồ thủy điện điều tiết nước về mức thấp để đón lũ. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam yêu cầu các ngành, địa phương hủy các cuộc họp không cần thiết để dành thời gian ứng phó với mưa bão, học sinh nghỉ học ngày 27/9. Chính quyền địa phương kiên quyết di dời, sơ tán người và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước. Đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, cho biết: "Chúng tôi thường xuyên tổ chức các binh đội tàu hoạt động tuần tra, kiểm tra trên biển. Khi có tình huống bất ngờ xảy ra thì các tàu này là lực lượng tham gia đầu tiên, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tàu thuyền".

Việt Nam ứng phó với bão Noru - Cơn bão mạnh nhất trong 20 năm - ảnh 2Lực lượng vũ trang và dân quân địa phương TP. Đà Nẵng hỗ trợ dân di chuyển tàu thuyền lên bờ tránh bão: Ảnh/VOV

Các địa phương ở tỉnh Quảng Ngãi hoàn thành việc di dời, sơ tán dân trước 10 giờ ngày 27/9, riêng huyện Lý Sơn hoàn thành trước 8 giờ sáng cùng ngày. Các đơn vị, nhà thầu kiểm tra, rà soát tất cả các công trình đang thi công, đang tích nước, vận hành trên địa bàn và tổ chức sơ tán, di dời toàn bộ người và thiết bị, máy thi công ra khỏi công trường đến nơi an toàn. Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: "Chúng tôi chỉ đạo các địa phương, nhất là các địa phương vùng ven biển, vùng núi có nguy cơ sạt lở cao khẩn trương rà soát lại phương án ứng phó thiên tai năm 2022. Trong đó, lưu ý cập nhật tình hình thực tế của cơn bão, tình hình thực tế của địa phương. Từ đó, triển khai phương án ứng phó đảm bảo an toàn, đồng bộ, chặt chẽ và có khoa học, đảm bảo hiệu quả cao trong công tác ứng phó bão".

Các địa phương khác ở miền Trung là tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Quảng Trị, thành phố Đà Nẵng… cũng gấp rút huy động mọi lực lượng chủ động ứng phó với bão, đề phòng sạt lở đất, lũ lụt. Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động ứng phó phù hợp, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu