PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục Trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại hội thảo dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giai đoạn 2018-2020 và kế hoạch năm 2021 |
Phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) hiện đang là phương pháp phòng chống HIV/AIDS cho hiểu quả cao nhất, và được hi vọng sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.
Phương pháp điều trị này hiện cũng đang được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Kenya, Cộng hòa Congo và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người dân các nước, đặc biệt là cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Chính vì vậy, Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Quỹ Toàn cầu, Tổ chức phi lợi nhuận sức khỏe toàn cầu PATH, cùng một số tổ chức sức khỏe trong và ngoài nước, để đưa phương pháp hiện đại này về Việt Nam.
Tại Hội thảo Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giai đoạn 2018-2020 và kế hoạch năm 2021 mới đây diễn ra tại Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục Trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, cho biết, trong suốt 30 năm phòng chống dịch bệnh, Việt Nam đã thu được nhiều thành quả tốt đẹp với tỷ lệ dịch bệnh năm nay giảm đáng kể so với những năm trước. Tuy nhiên, trong khi tỷ lệ ở hầu hết các nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh đều giảm nhiều thì tỷ lệ nhiễm bệnh trong cộng đồng MSM lại gia tăng nhanh chóng. Đó cũng là động lực thúc đẩy Cục Phòng, chống HIV/AIDS tích cực thúc đẩy mô hình điều trị PrEP tại Việt Nam.
Theo nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội, trong cộng đồng MSM, nếu không có kế hoạch về phóng tránh lây nhiễm bệnh thì 1 năm sẽ có tới 700 người nhiễm mới HIV. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS và các tổ chức triển khai PrEP, trong năm vừa qua, trong số 10.000 khách hàng sử dụng PrEP, chỉ có 8 người nhiễm HIV, và đây đều là các trường hợp không tuân thủ nghiêm ngặt chương trình điều trị.
Nhân viên Quỹ Toàn cầu giới thiệu về Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) |
Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình PrEP từ năm 2017 và tính đến nay đã PrEP đã có mặt tại 27 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, với hơn 13.000 người sử dụng. TS. Kimberly Green, Giám đốc toàn cầu Chương trình Lao/HIV của PATH, khẳng định, Việt Nam hiện là nước điển hình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thực hiện rất thành công mô hình PrEP.
Hiện tại, toàn bộ nguồn thuốc vẫn được cung cấp miễn phí nhờ kế hoạch tài trợ của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó phải kể đến Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống AIDS (PEPFAR) và nguồn tài trợ của Quỹ toàn cầu. Trong tương lai, PrEP sẽ là một trong những phương pháp điều trị dự phòng có vai trò hết sức quan trọng và cần được chú trọng phát triển. Điều này đã được thể hiện rõ trong kế hoạch 5 năm nhân rộng mô hình PrEP ra cả nước của Bộ Y tế và trong chiến lược quốc gia chấm dứt đại dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.