Trong 1 năm qua kể từ sau COP26 tại Glasgow, Vương quốc Anh, Việt Nam từng bước hiện thực hóa các cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ - năm 2050.
Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo. Thủ tướng cũng đã phê duyệt Đề án những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26 và nhiều kế hoạch chiến lược quốc gia quan trọng khác liên quan. Thứ 5 vừa qua (3/11/2022), lễ khởi công nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn Lego diễn ra tại Bình Dương. Đây là minh chứng cho việc Việt Nam trở thành một điểm đến thu hút đầu tư xanh. Ngoài hệ thống điện mặt trời áp mái, nhà máy còn có một trang trại điện mặt trời để đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất.
Cũng trong tháng này, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2022, từ ngày 28 đến 30/11 tại TP. Hồ Chí Minh. Hơn 150 doanh nghiệp châu Âu sẽ giới thiệu những sản phẩm, sáng kiến và mô hình kinh tế xanh để giúp Việt Nam hoàn thành cam kết tại COP26.
Việt Nam cũng được coi là ứng cử viên hấp dẫn trong việc thu hút nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh. Tại Tuần lễ tăng trưởng xanh toàn cầu, sự kiện quốc tế quy mô lớn vừa diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc hồi cuối tháng 10, một thỏa thuận quan trọng đã được các nước nhất trí là Nền tảng Giao dịch Carbon (CTP). Đây là cơ sở để các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, thực hiện điều khoản về giao dịch carbon quốc tế theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Nền tảng Giao dịch Carbon cho phép tiến hành các giao dịch giữa các nước mua và bán tín chỉ carbon trên một sân chơi bình đẳng, nơi mà các nước bán có thể được hưởng lợi. Được biết, đầu năm 2022, Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI) đã hỗ trợ Việt Nam phát hành trái phiếu xanh đầu tiên trị giá 75 triệu USD.