Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Thái tử kế vị Đan Mạch, Frederik trong chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 28/11/2011, nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đan Mạch. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN
|
Thái tử Đan mạch Frederik và Công nương sắp có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 31/10 đến 3/11, nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Qua 50 năm hợp tác phát triển, Đan Mạch từ việc là một trong những nước cung cấp viện trợ phát triển ODA lớn nhất cho Việt Nam, đã trở thành đối tác lâu dài và tin cậy, trên cơ sở hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, với nhiều chương trình hợp tác lớn giữa chính phủ hai nước.
Nhu cầu và tiềm năng hợp tác giữa hai nước hiện nay rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực mà hai bên chia sẻ nhiều lợi ích và có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển của Việt Nam.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz , những lĩnh vực Đan Mạch và Việt Nam có tương lai hợp tác là về năng lượng tái tạo (đặc biệt quan tâm đến năng lượng gió ngoài khơi), và sử dụng năng lượng có hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, là những lĩnh vực mà Đan Mạch đã đi trước thế giới từ thập niên 1970, và hiện nay có những doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Đây cũng là hai lĩnh vực trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam của vợ chồng Thái tử.
“Điểm xuất phát của hai điều này, do trong những thập kỷ qua Đan Mạch có rất nhiều kinh nghiệm trong hai lĩnh vực năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng có hiệu quả. Có lẽ bởi từ những năm 1970, khi thế giới có khủng hoảng dầu mỏ, Đan Mạch đã giật mình bừng tỉnh nhận ra đất nước Đan mạch phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ và năng lượng hóa thạch, đã đến lúc phải thoát khỏi sự phụ thuộc đó.
Thời đó chúng tôi đã có những quyết định ở tầm cao nhất của chính phủ, nhận ra phải đưa ra tầm nhìn dài hạn, trong đó làm thế nào để làm phong phú, phát triển thêm các nguồn năng lượng và nguyên liệu khác ngoài nguyên liệu hóa thạch, làm cho nguồn cung cấp nhiên liệu cho đất nước Đan Mạch sẽ bao gồm rất nhiều năng lượng tái tạo như ngày hôm nay. Ngày nay Đan mạch có nguồn năng lượng từ điện gió cả ngoài khơi và gần bờ gần như dẫn đầu thế giới, bởi chúng tôi đã bắt đầu rất sớm, từ những năm 1970 đó”. - Đại sứ Nicolai Prytz chia sẻ.
Lĩnh vực năng lượng là lĩnh vực trong tâm của quan hệ hợp tác Việt Nam và Đan Mạch, đẩy mạnh hợp tác từ 2013, là sự hợp tác Đối tác chặt chẽ giữa hai chính phủ. Năm 2009, Việt Nam có Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, năm 2012, Chính phủ Việt Nam ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Năm 2014 Việt nam mới có Chương trình hành động Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020. Dù mới đi những bước đi đầu tiên, Việt Nam đã khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của mình khi tham gia, cam kết tại Hội nghị COP 26 về việc Việt Nam sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Đại sứ Nicolai Prytz khẳng định: “Trong lĩnh vực năng lượng Đan Mạch và Việt Nam có rất nhiều dư địa để có thể hợp tác một cách chặt chẽ, mạnh mẽ hơn. Vì cả hai nước đều chung một cam kết là có một nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2050. Do vậy, để tiến tới mục tiêu này, chúng ta cần phải có 1 lộ trình từ nay đến năm 2050.
Về phía Đan mạch, trong lộ trình này chúng tôi đã có nhiều công việc đạt được thành quả để cố gắng tiến tới việc đó. Và Việt Nam tôi tin tưởng cũng là lúc chúng ta phải thúc đẩy lộ trình này để đạt được mục tiêu chúng ta đã cam kết.”
Cũng theo ngài Đại sứ, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển rất nhanh trên thế giới. và đương nhiên là Việt Nam sẽ cần rất nhiều năng lượng để đáp ứng được sự phát triển kinh tế đó. “Vì vậy chúng tôi coi cam kết của chính phủ Việt Nam trung hòa carbon năm 2050 là một quyết định cực kỳ dũng cảm, và cần rất nhiều dũng khí. Đan Mạch với tất cả kinh nghiệm, kiến thức cũng rất sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam, làm thế nào để có những hỗ trợ có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu Việt Nam đã đề ra trong COP 26.”
(Từ trái qua): Phó Đại sứ Carsten Baltzer Rode, Đại sứ Nicolai Prytz , Tham tán phụ trách thương mại Troels Jakobsen tại buổi họp báo trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thái tử và Công nương Đan Mạch. - Ảnh: Phi Hà |
Ông Troels Jakobsen, Tham tán phụ trách thương mại cho biết về những nét chính đã đạt được trong kết quả hợp tác giữa hai chính phủ: "Điều đầu tiên là đã duy trì Hợp tác đối tác trong lĩnh vực năng lượng với chính phủ Việt Nam, bắt đầu từ 2013, đến nay đã qua giai đoạn 3 triển khai với Bộ Công thương Việt Nam. Hai là Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam, được xây dựng dưới sự hợp tác với Bộ Công thương, ĐSQ Đan Mạch, Tổng cục năng lượng Đan Mạch. Nội dung chính của Báo cáo là đưa ra các phương án khác nhau về các tầm nhìn phát triển năng lượng tại Việt Nam, cũng như làm thế nào để Việt Nam đạt mô hình phát triển năng lượng bền vững.”
Ông Troels Jakobsen cũng chia sẻ những ví dụ cụ thể trong hợp tác về chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực kinh tế thương mại: “Về thương mại tôi có thể nói hai ví dụ cụ thể. Đầu tiên là Vestas công ty sản xuất turbin gió lớn nhất thế giới. Trong vòng 3-4 năm trở lại đây Vestas là nhà cung cấp tua bin gió lớn nhất tại Việt Nam cho các công trình điện gió gần bờ. Công ty Grundfos sản xuất bơm hàng đầu thế giới, đã kết hợp cùng một số khách sạn tại Việt Nam để chuyển đổi bơm của các khách sạn này. Với loại bơm tiết kiệm năng lượng của Gundfos đã giúp các khách sạn tiết kiệm được 50% năng lượng cho các hoạt động này. ”
(VOV5) - Điều quan trọng đối với Việt Nam không phải là thu hút đầu tư nước ngoài, mà làm sao để thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng.
Khẳng định “vấn đề của Việt Nam không phải là làm thế nào để thu hút đầu tư nước ngoài, vì Việt Nam ở một vị thế rất tốt, chính trị ổn định, nên điều quan trọng đối với Việt Nam là làm sao để thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng, những đầu tư nước ngoài có thể đem lại sự tăng trưởng, và quan tâm đến tất cả những vấn đề môi trường và bền vững”; Đại sứ Nicolai Prytz nhấn mạnh: “Tất cả các nhà đầu tư Đan Mạch khi vào Việt Nam, trong yêu cầu đầu tư đều phải đạt được kết quả tăng trưởng bền vững. Họ phải tuân thủ 3 nguyên tắc không những phải tăng trưởng, mà còn tăng trưởng bền vững, phải tôn trọng quyền lợi của người lao động và công nhân. Chính vì vậy một phần nào đó những dự án của họ đều góp phần vào mục tiêu chung là tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng có hiệu quả.”
Ngài Đại sứ cũng chia sẻ thêm, Đan Mạch đã ký hợp tác Chiến lược Xanh với một số Quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nam Phi: “Chúng tôi cũng đang trong lộ trình bàn thảo với Việt Nam, để hai bên có thể sẵn sàng ký một Hiệp định đối tác xanh tương tự với Việt Nam. Chúng tôi hy vọng nếu ký Hiệp định này với Việt Nam, sẽ mang lại nhiều thay đổi, nhiều kết quả. Đây là Hiệp định bao gồm nhiều công việc và dự án cụ thể, trong đó có thể đưa những kiến thức của cả hai nước vào trong Hiệp định này để tiến tới lộ trình trung hòa carbon 2050.”