Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình là cầu nối giữa đồng bào các dân tộc với chính quyền, góp phần tăng cường tình đoàn kết cộng đồng, cùng xây dựng kinh tế địa phương ngày một phát triển.
Tỉnh Hòa Bình có dân số hơn 87 vạn người. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 74%, bao gồm các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông và một số dân tộc khác. Tỉnh hiện có hơn 1.300 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đông nhất là người có uy tín dân tộc Mường với hơn 1.000 người. Họ là già làng, trưởng dòng họ, trưởng thôn bản và tương đương, cán bộ nghỉ hưu, chức sắc tôn giáo, thầy mo, thầy cúng, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, người sản xuất giỏi...
Ông Hà Ngọc Tuấn, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, cho biết: “Người có uy tín bằng kinh nghiệm, hiểu biết của bản thân cũng như thực tế tại địa phương đã phát huy tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, họ gương mẫu triển khai các mô hình phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Hằng năm, chúng tôi tổ chức các các hội nghị, gặp mặt người có uy tín, hay tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm cho người có uy tín ở các tỉnh khác”.
Ông Bàn Sinh Lương, già làng dân tộc Dao có uy tín ở tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Ngọc Anh |
Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình luôn đi đầu trong việc thực hiện các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”, “Đại đoàn kết toàn dân”, “Tuổi cao, gương sáng”, “hiến công, hiến kế xây dựng quê hương”… Các già làng, trưởng bản đi đầu trong việc bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Ông Bàn Sinh Lương, người có uy tín dân tộc Dao, phường Thống Nhất, thành phố Hòa Bình, chia sẻ: “Tôi vận động bà con chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước, cái gì có lợi cho dân thì tôi làm. Tất cả thành công là do công tác dân vận. Già làng, trưởng bản có vai trò, trách nhiệm rất lớn nên phải tận dụng mọi thời cơ. Tuyên truyền, dân vận ở các hội nghị tổng kết hoặc ngày lễ, đối thoại trực tiếp với dân, làm sao hài hòa tất cả mọi người”.
Nghệ nhân Ưu tú Hà Thị Bích, người dân tộc Thái có uy tín ở tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Ngọc Anh |
Đã có nhiều tấm gương là người có uy tín giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Họ truyền dạy cho lớp trẻ, vận động bà con duy trì các lễ hội, làn điệu dân ca, điệu múa, nhạc cụ dân tộc... Điển hình như Nghệ nhân Ưu tú Hà Thị Bích, người dân tộc Thái ở xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, người có công bảo tồn và phát huy điệu hát Khắp truyền thống của dân tộc Thái. Nghệ nhân Ưu tú Hà Thị Bích cho biết: “Chúng tôi đã thành lập Câu lạc bộ Khắp Thái với 30 người, có cả nam và nữ, với mọi độ tuổi. Chúng tôi chọn những người có năng khiếu, nhiệt tình. Câu lạc bộ Khắp Thái chúng tôi thường đi biểu diễn vào ngày lễ, ngày hội hoặc đám cưới, mừng nhà mới, trẻ em mới sinh. Làn điệu Khắp Thái có giai điệu riêng biệt của dân tộc Thái, đã có từ bao đời nay, truyền lại cho bà con từ đời này sang đời khác”.
Cũng trên lĩnh vực văn hóa, một điển hình khác là người có uy tín dân tộc Mường, đó là Nghệ nhân Ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa Mường Bùi Huy Vọng, người đã lưu giữ, sưu tầm được rất nhiều hiện vật, hình ảnh, tài liệu về văn hóa dân tộc Mường, trong đó có Mo Mường, Bách khoa thư dân gian của người Mường. Ông còn tham gia phục dựng lễ hội đình Khênh, lễ hội Đu Vôi... ở huyện Lạc Sơn; biên dịch trang tiếng Mường trên Báo Hòa Bình điện tử, biên soạn sách tiếng Mường cổ. Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng cho biết: “Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã cho phép xây dựng hồ sơ quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường để trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trở thành văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Một số di sản văn hóa khác, như: Mo Mường, nghệ thuật chiêng Mường, lễ khai Hạ hay lịch Đoi/Roi (lịch tre) đã được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia. Tình yêu văn hóa dân gian Mường luôn nóng bỏng trong tôi”.
Bằng uy tín của mình, cùng tình yêu đất nước, những người có uy tín của tỉnh Hòa Bình đang góp phần quan trọng trong việc xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa địa phương.