Đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến các mặt kinh tế- xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, một trong những địa phương có nguồn thu ngân sách lớn từ du lịch. Tuy nhiên, sớm xác định phòng chống và sống chung đại dịch để tìm hướng đi phù hợp, trong bối cảnh nước ta kiểm sát được dịch bệnh, Thừa Thiên Huế tập trung phục hồi ngành du lịch trong trạng thái bình thường mới.
Nghe âm thanh bai viết tại đây:
Chuẩn bị cho giai đoạn mới, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp như: đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dịch vụ; tạo điểm vui chơi, giải trí về đêm cho du khách, kích cầu chi tiêu cho du lịch. Các sản phẩm du lịch di sản văn hóa được làm mới bằng các trải nghiệm thú vị, nâng tầm sản phẩm du lịch sinh thái, đầm phá và du lịch biển, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp… Để thu hút khách đến với vùng đất Cố đô, các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành đưa khách đến tham quan, tìm hiểu tại khu di sản Huế được giảm 50% phí, từ 1/3 đến hết 31/8. Bên cạnh đó, nhiều sự kiện, lễ hội, như Festival Nghề truyền thống, lễ hội Sen Huế, Ngày hội ẩm thực, Ngày hội Lân Huế, Ngày hội Áo dài Huế… cũng được tổ chức định kỳ hàng tháng nhằm tạo những điểm nhấn thường xuyên.
Bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam Hà Nội, Chi nhánh Huế cho biết: “Chúng tôi quan tâm hơn đến chất lượng cũng như chạm tới cảm xúc của khách hàng nhiều hơn, sâu hơn, so với trước đây. Ví dụ như là đáng lẽ khách hàng họ sẽ đi một đoàn rất đông, họ ăn trong những nhà hàng rộng lớn, thì bấy giờ có những nhóm khách hàng nhỏ chúng tôi chia ra để cho họ trải nghiệm, hay là những bữa ăn kết hợp với nhà dân, hay những bữa ăn ở trên thuyền trên sông để chạm vào cảm xúc của khách hàng nhiều hơn.”
Hội nghị bàn các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch TT Huế trong trạng thái bình thường mới |
Hiện nay, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập hợp được 14 khách sạn 3 đến 5 sao, giảm 50% giá dịch vụ và giữ nguyên chất lượng dịch vụ, áp dụng từ thời điểm hiện tại đến hết 2021. Các doanh nghiệp lữ hành đã hình thành các sản phẩm mới, như trải nghiệm “Tâm và Thân cùng với Huế”, tour “check-in” các điểm phim trường, hay tour trải nghiệm, khám phá giới hạn bản thân bằng đạp xe quanh thành phố, chèo SUP (ván chèo đứng) trên sông Hương.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia cho biết, Huế là điểm đến quan trọng của Việt Nam đối với khách quốc tế khi hội tụ sự đa dạng về văn hóa, thiên nhiên, con người. Xét về lợi thế cạnh tranh, Huế cần tập trung vào chuyển đổi số, điều mà Huế đang là điểm tiên phong; xây dựng thương hiệu “thành phố xanh, sạch, an toàn” thành những từ khóa riêng, vững chắc cho Huế.
Ông Trần Trọng Kiên cho biết: “Chúng ta giới thiệu Huế là 1 điểm đến trọn vẹn có đủ các thành tố từ văn hóa đến biển, thiên nhiên cũng như con ngưới và ẩm thực, có thể hấp dẫn khách du lịch ở đây không chỉ 2-3 đêm mà có thể nhiều hơn nữa và cái cách tiếp cận tập trung vào nhóm gia đình và nhóm bạn bè bán trực tiếp và có những kênh truyền thông số. Đấy là những định hướng tôi nghĩ rằng rất hợp lý và phù hợp cho Huế thời điểm hiện tại.”
vov_ Du lịch Huế tập trung thu hút khách nội địa |
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai nhiều giải pháp trong giai đoạn mới, đó là sẵn sàng khi du lịch nội địa phát triển trở lại và sự mở của các sân bay quốc tế để đón khách nước ngoài. Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết: để xây dựng Thừa Thiên Huế thành điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn, ngành du lịch triển khai các giải pháp đảm bảo chất lượng các dịch vụ như lưu trú, vận chuyển, lữ hành...
Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong cả nước, hình thành và triển khai liên minh kích cầu, quảng bá hình ảnh điểm đến, trong đó có liên kết giữa “Thừa Thiên Huế- Đà Nẵng- Quảng Nam”mang lại hiệu quả trong những năm qua.
“Sản phẩm du lịch Huế vốn xưa nay lấy văn hóa di sản làm nền tảng để phát triển thì chúng tôi mở rộng thêm các gói du lịch về sinh thái, du lịch cộng đồng dựa vào sinh thái, duc lịch hội nghị, du lịch đầm phá, du lịch nghĩ dưỡng. Tất cả những sản phẩm loại hình mới mà các doanh nghiệp trên địa bàn đang tập trung xây dựng để đón đầu du khách trong và ngoài nước.”
vov_ Khách du lịch đến tham quan Đại Nội Huế |
Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thì hoạt động du lịch cùng các dịch vụ du lịch ở Thừa Thiên Huế nói riêng và Việt Nam nói chung đã “thấm đòn” với những tác động của đại dịch Covid-19. Các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, giảm từ 65-75%. Tình này xác định du lịch dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, vì vậy địa phương đang tập trung xây dựng những thương hiệu tạo điểm nhấn cho du lịch, phát triển du lịch thông minh... Ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, việc phục hồi, phát triển ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay rất cần sự chung tay, đồng hành của toàn xã hội, từ cộng đồng doanh nghiệp đến người dân:
“Vấn đề nâng cao chất lượng phục vụ trong du lịch là vấn đề hàng đầu, để làm sao cho dịch vụ đảm bảo nhu cầu của du khách. Vấn đề thứ 2 là xây dựng các điểm đến hấp dẫn mang tính chất đặc trưng của du lịch Huế như là Huế- Kinh đô ẩm thực. Huế- Kinh đô áo dài và đặc biệt là phải khai thác cho bằng được thế mạnh về văn hóa.