Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Sơn La đặt mục tiêu trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng Tây Bắc. Sau khi thực hiện thành công chủ trương đưa cây ăn quả lên đất dốc, tỉnh Sơn La đã có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện ở địa phương, để thúc đẩy tăng trưởng xanh và nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Những năm qua, vườn mận của gia đình anh Vì Văn Việt, dân tộc Sinh Mun, ở bản Bon Cằm, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, đều cho thu hái vụ sớm và vụ muộn. Vườn mận của anh thu hoạch kéo dài gần 4 tháng, từ tháng 4 đến tháng 7, nên mận được giá, giao động từ 70.000đ-100.000đ một cân lúc đầu vụ, cuối vụ.
Anh Vì Văn Việt chia sẻ: Đây là kết quả của việc áp dụng khoa học vào sản xuất và chăm sóc đúng quy trình: "Trước đây, diện tích đất của gia đình chủ yếu trồng ngô, sắn nhưng hiệu quả kinh tế kém. Qua quá trình nghiên cứu và đi học hỏi các vườn mận của các mô hình đẹp về, tôi đã đầu tư trồng mận. Những năm trước, ít thì cũng được 200 triệu đồng (9.000 USD)/vụ.
Vùng trồng na ứng dụng công nghệ cao của xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La). Ảnh: VOV |
Ở xã biên giới Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, cây mận đã được trồng trên lưng đồi dựng đứng, bà con nơi đây hay gọi là cây mận đã “leo đồi” thay cây ngô. Cả xã hiện có hơn 400 hộ trồng mận và chăm sóc gần 200 héc ta cho quả chín sớm, bà con đã đầu tư 45 -50 triệu đồng (2.000 USD)/héc ta cho hệ thống tưới nước tự động. Với tiêu chí chất lượng của từng trái mận, người nông dân Phiêng Khoài đã tỉa cành, tỉa trái, để giữ lại những trái ngon nhất.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, xã Phiêng Khoài, cho biết: Hiện, đơn vị đang có 60 ha mận hậu được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn Quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản ở Việt Nam (VietGAP), được khoanh vùng sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và theo dõi trực tiếp quá trình sản xuất thông qua hệ thống camera: "Hợp tác xã cũng có nhiều đơn hàng, như ở trong nước thì các đơn hàng luôn ổn định nhiều năm rồi. Thị trường của chúng tôi thì truyền thống cũng có, thị trường thương mại điện tử rồi là các mạng xã hội. Khi có đầy đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu thì thị trường quả mận của chúng tôi sẽ ký hợp đồng sang các nước."
Nông dân Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt phục vụ sản xuất. Ảnh: VOV |
Hợp tác xã Mé Lếch, huyện Mai Sơn, có 20 hộ gia đình chuyên trồng na, gồm na dai truyền thống, na Thái và na sầu riêng, với diện tích hơn 150 héc ta. Để chăm sóc cây na, các thành viên đã đầu tư máy móc hỗ trợ cho việc bừa đất, phun nước và phun thuốc bằng máy.
Ông Nguyễn Hữu Tứ, Giám đốc hợp tác xã, cho biết: "Cây na là cây khó tính nên hợp tác xã đã áp dụng công nghệ cao, đặc biệt là sản xuất hữu cơ và đưa hệ thống tưới ẩm vào vườn cây. Với hệ thống tưới ẩm trên 1 héc ta là hợp tác xã đầu tư tầm trăm mốt đến trăm hai mươi triệu đồng. Hợp tác xã cũng kết nối với các công ty, các siêu thị để bán sản phẩm cho bà con."
Sau gần 3 năm thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng Tây Bắc, tỉnh Sơn La đã có gần 22.500 ha diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; 281 mã số vùng trồng với diện tích hơn 4.600 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu.
Đến nay, tỉnh đã có 17 nhà máy và hơn 500 cơ sở chế biến nông sản. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá, năm 2021 tăng hơn 7%. Năm ngoái, mặc dù chịu tác động lớn của dịch Covid-19 và của sự suy thoái kinh tế toàn cầu, giá trị nông sản toàn tỉnh vẫn tăng hơn 2,2%, ước 6 tháng đầu năm nay tăng hơn 5,7%...
Ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, cho biết: Năm 2020, tỉnh Sơn La đã ban hành 2 đề án, nghị quyết phát triển nông nghiệp, gồm Nghị quyết về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao và Nghị quyết về phát triển công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh: "Trung ương cũng rất mong muốn Sơn La trong thời gian tới sẽ là trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng Tây Bắc. Thực hiện theo đúng kết luận của Bộ Chính trị, chúng tôi sẽ cố gắng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và sẽ phát triển công nghiệp chế biến nông sản là lĩnh vực được tỉnh đặc biệt quan tâm."
Là tỉnh miền núi, biên giới, còn nhiều khó khăn, Sơn La luôn có quyết tâm, khát vọng phải đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, tập trung khắc phục hạn chế, khó khăn để xây dựng địa phương phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và là trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng Tây Bắc, ngày càng mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc, nơi phên giậu của Tổ quốc.