Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Để xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực ra thị trường thế giới, tỉnh Sơn La luôn chú trọng nâng cao chất lượng các mặt hàng; quan tâm triển khai xây dựng và tăng mã số vùng trồng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, như Quy định thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGap), Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGap)…
Việc xây dựng mã số vùng trồng không chỉ là yêu cầu bắt buộc cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu, mà còn tác động tích cực đến tư duy, trình độ canh tác và hoạt động sản xuất của bà con nông dân.
Thành viên HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu bao trái xoài. Ảnh: baosonla.org.vn |
Gia đình ông Nguyễn Tiến Hợi, Hợp tác xã (HTX) Hoa quả Quyết Tâm, xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, có hơn 3ha xoài, trong đó 2ha xoài được cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo quy trình VietGap. Sản lượng quả thu hái mỗi năm lên tới vài chục tấn quả tươi nhưng chưa khi nào ông Hợi phải lo về đầu ra cho sản phẩm, nhờ đó gia đình ông có nguồn thu ổn định từ vườn cây ăn quả.
Ông Nguyễn Tiến Hợi cho biết: “Gia đình tôi có hơn 3ha cây ăn quả. Hằng năm, riêng xoài thu hoạch từ 35–50 tấn, khoảng 25–30 tấn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Mấy năm nay được cấp mã số, việc xuất khẩu thuận lợi hơn.”
Huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, hiện có trên 11.300 ha cây ăn quả, trong đó có trên 770 ha cây ăn quả đã được cấp chứng nhận VietGAP. Huyện cũng đang quản lý, giám sát 67 mã số vùng trồng cho trên 1.140 ha cây ăn quả các loại. Trên địa bàn huyện, ngày càng có nhiều diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ cao nâng cao giá trị sản phẩm, cũng như được cung cấp mã vùng trồng, thuận tiện cho việc xuất khẩu. Đây cũng là ưu thế của các HTX trên địa bàn tỉnh Sơn Lan khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản ra thế giới.
Ông Dương Minh Hà, Giám đốc HTX Hoa quả Quyết Tâm, xã Tú Nang, huyện Yên Châu, Sơn La, cho biết: “Được cấp mã vùng, mình quản lý dễ hơn, sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap sẽ theo một quy chuẩn thì bà con làm cũng dễ hơn. Chất lượng quả đẹp hơn nhiều so với mình làm tự do, nhật ký mình ghi chép đàng hoàng.”
Việc cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp truy xuất nguồn gốc mà quản lý chặt chẽ quá trình sản xuất, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Việc xây dựng mã số vùng trồng giúp người dân chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang hướng liên kết, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, có quy mô lớn. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến chất lượng và tạo thương hiệu cho sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của nước nhập khẩu, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thanh long, một trong những sản phẩm nông sản của Sơn La có mã số vùng trồng. Ảnh: baosonla.org.vn |
Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, cho biết: “Từ ngày được cấp mã số vùng trồng, các thành viên, bà con nông dân, biết cách sản xuất theo quy định của các mã vùng trồng và phục vụ các thị trường. Chúng tôi vận động bà con làm theo và tuân thủ trong các khâu chăm sóc, sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định.”
Theo thống kê, toàn tỉnh Sơn La đã được cấp 281 mã số vùng trồng, với tổng diện tích trên 4.600 ha; trong đó tỉnh đang duy trì 205 mã số vùng trồng xuất khẩu, nhiều nhất là nhãn, xoài, chuối, mận, thanh long… tạo hành lang pháp lý cho các mặt hàng nông sản của tỉnh tham gia thị trường xuất khẩu sang 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La, cho biết: “Việc cấp mã số vùng trồng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, khi nền nông nghiệp và nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và sản phẩm nông nghiệp cũng là một sản phẩm chủ lực để xuất khẩu.”
So với tiềm năng của địa phương, diện tích được cấp mã số vùng trồng tại Sơn La chưa nhiều, với trên 4.600 ha, chiếm khoảng 5,5% tổng diện tích cây ăn quả hiện có. Tuy nhiên, việc cấp mã số vùng trồng đã và đang làm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Phương thức sản xuất cũ dần được thay đổi, người dân chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc HTX Đoàn Kết, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, cho rằng: “Chúng tôi đã thực hiện theo mô hình VietGap, thì tuyệt đối không dùng thuốc trừ cỏ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm. Toàn bộ diện tích trồng, chúng tôi sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật cho phép. Đa phần chúng tôi sử dụng dùng chế phẩm sinh học.”
Việc xây dựng mã số vùng trồng cho bà con nông sân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất và giảm sức lao động cho người nông dân. Đặc biệt, việc làm này gia tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp, giúp việc xuất khẩu nông sản của tỉnh Sơn La ngày càng phát triển