Niềm tự hào của người dân đất võ

Kim Lan
Chia sẻ
(VOV5) -  Đây cũng là niềm tự hào của người dân đất võ, càng giúp họ ý thức hơn được giá trị của bộ môn này.

Đến với Bình Định, mỗi người mong muốn được khám phá những địa danh lịch sử, văn hóa, đồng thời ấn tượng với những màn trình diễn võ thuật. Nhiều năm nay, tỉnh  Bình Định phát triển những câu lạc bộ để gìn giữ và phát huy võ cổ truyền, xứng đáng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng. Đây cũng là niềm tự hào của người dân đất võ, càng giúp họ ý thức hơn được giá trị của bộ môn này. Mời quý vị và các bạn cùng tới Bình Định, ghé thăm Bảo tàng Quang Trung để phần nào hiểu được võ cổ truyền gắn với con người nơi đây.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Trong một khán phòng với 200 khách ngay trong khuôn viên của Bảo tàng Quang Trung, tỉnh Bình Định, hàng ngày, du khách được xem những chương trình nhạc võ cổ truyền, với những màn múa roi, đi quyền của các võ sinh trẻ tuổi. Qua đó, có thể thấy hào khí Tây Sơn  thấm dần và lưu giữ trong con người Bình Định. Anh Đặng Công Lập, phó trưởng phòng Bảo tàng Quang Trung, cho biết, nhạc võ cổ truyền là nét văn hóa rất riêng tại đây: “Du khách đến thắp hương, viếng di tích điện thờ Tây Sơn tam kiệt…. di tích quốc gia đặc biệt…Nếu cả đoàn có nhu cầu, sau khi tham quan bảo tàng, thì có thể xem nhạc võ cổ truyền. Đây là nét văn hóa rất đặc trưng mà Bảo tàng Quang Trung đang gìn giữ và lưu truyền”.
Niềm tự hào của người dân đất võ - ảnh 1Sân khấu biểu diễn nhạc võ cổ truyền

Sau màn trống trận, là những màn trình diễn võ thuật của các võ sinh trẻ nối nhau liên tục. Trong đó, có nhiều võ sinh nhí dưới 10 tuổi đã có nhiều năm luyện võ với những bài quyền, múa đao, múa quạt cá nhân và các bài võ tập thể. Trong nhiều năm qua, đội nhạc võ cổ truyền ở đây với gần 20 thành viên hằng ngày trình diễn phục vụ du khách nhiều suất diễn. Đặc biệt, dịp hè, lượng khách tăng cao thì các suất diễn phục vụ cũng tăng theo. Mỗi một suất diễn kéo dài 30 phút và có thể kín khoảng 200 khách. Hầu hết các thí sinh của đội nhạc võ đều là những người con sinh ra và lớn lên ở huyện Tây Sơn và đều là gia đình có truyền thống học võ. Chị Trần Thị Minh Nguyệt, sinh ra và lớn lên ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tập võ từ năm 8 tuổi, chia sẻ với chúng tôi:

“Hằng ngày phục vụ du khách đông không?

Đông chị. Cuối tuần thì đông hơn

Em tập võ lâu chưa?

Lâu rồi. Từ năm 8 tuổi.

Được biểu diễn trên mảnh đất quê hương thì em cảm nghĩ thế nào?

Rất tự hào vì được sinh ra và lớn lên ở miền đất võ. Cha truyền con nối”

Niềm tự hào của người dân đất võ - ảnh 2Một thành viên trong đội nhạc võ cổ truyền

Chị Dương Thị Hương, tham gia Đội nhạc võ cổ truyền được 10 năm và cũng được mẹ truyền cho môn võ này. Chị rất muốn truyền lại cho con của mình, cũng là cách để gìn giữ và phát huy nét đẹp võ cổ truyền Bình Định: “ Em tham gia trên 10 năm. Mình giới thiệu cho du khách coi mà  vui thì mình cũng rất vui. Em rất tự hào.Em hy vọng, nếu con em có cảm nhận thì em cũng muốn truyền lại cho con mình. Võ cổ truyền là niềm tự hào không chỉ của người dân Bình Định, mà con là nét văn hóa cấp quốc gia”.

Đội nhạc võ giới thiệu về trống trận Tây Sơn, võ cổ truyền Bình Định, qua đó, quảng bá di sản văn  hóa phi vật thể đặc sắc nơi đây cho du khách trong và ngoài  nước. Với những giá trị to lớn như vậy, người dân Bình Định luôn tự hào và mong muốn được gìn giữ và phát huy bộ môn đặc sắc này. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định phối hợp Sở văn hóa thể thao đang lập hồ sơ trình Tổ chức Khoa học-Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh võ cổ truyền Bình Định vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó giám đốc Sở văn hóa và thể thao tỉnh Bình Định, cho biết: “ Trong thời gian tới, viêc chúng tôi tham mưu cho tỉnh về chính sách hỗ trợ cho lò võ cổ truyền này, cũng chính là xây dựng những lò võ thành những điểm đến. Võ cổ truyền Bình Định là nét đặc sắc của Bình Định mà du khách đến đây muốn tìm hiểu. Du khách đến  Bảo tàng Quang Trung, khách tham quan gần xa sẽ được xem đội nhạc võ, biểu diễn hình thức võ thuật mà nhà Tây Sơn đã rèn luyện để lập nên những chiến công hiển hách trong lịch sử”.

Có thể nói, võ là một phần trong mỗi con người Bình Định, là niềm tự hào của người dân Bình Định, cũng như là hồn cốt của mảnh đất gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc. Võ cổ truyền đã đi vào mọi ngõ ngách trong đời sống của người dân nơi đây, trở thành nét văn hóa mà du khách trong và ngoài nước khi tới Bình Định đều mong muốn được tìm hiểu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu