79 năm về trước, khi Nhật đảo chính Pháp, nhân dân Bắc Kạn đã chớp thời cơ đứng lên giành chính quyền. Ngày 30/03/1945, Ủy ban nhân dân lâm thời châu Chợ Rã được thành lập. Đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên trong cao trào khởi nghĩa kháng Nhật cứu nước năm 1945. Sau đó, cao trào cách mạng đã lan rộng khắp các địa phương trong tỉnh, hòa trong không khí tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc tháng 8/1945.
Ở tuổi 98, Nhà văn Nông Viết Toại vẫn nhớ như in không khí những ngày thu Cách mạng tháng Tám 1945 tại quên hương mình. Ảnh: VOV |
Có mặt trong những khoảnh khắc lịch sử của mùa thu tháng 8 năm ấy vẫn luôn là niềm vinh dự và tự hào đối với ông Nông Viết Toại, lão thành cách mạng đã 98 tuổi. Năm 1945, người thanh niên Nông Viết Toại, khi ấy là đội viên Đội tuyên truyền huyện Lương Ngọc Quyến (nay là huyện Ngân Sơn), đã cùng người dân đi dán khẩu hiệu, cắm cờ chiến thắng. Đi đến đâu cũng thấy không khí rộn ràng, nhân dân vui mừng, bởi ai cũng hiểu quê hương đã giành được chính quyền và “cuộc đời bước sang một trang mới”: “Ngân Sơn khi ấy nằm trong vùng giải phóng. Ngày ấy, quân đội, ô tô từ Cao Bằng về qua, không khí rất khác, phấn khởi, xe cộ đi về thị xã tấp nập, rộn ràng”.
Ông Nguyễn Quân, Cựu chiến binh Trung đoàn 72 Bắc Kạn. Ảnh: VOV |
Cùng chung cảm xúc, cựu chiến binh Nguyễn Quân (93 tuổi) và cựu chiến binh Nguyễn Duy Bình (94 tuổi) ở thành phố Bắc Kạn, cũng luôn tự hào kể với thế hệ sau về thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc: Cách mạng tháng Tám 1945 và ngày giải phóng Bắc Kạn. Ngày ấy, ông Nguyễn Quân tham gia Trung đoàn 72, đơn vị bộ đội chủ lực trên địa bàn Bắc Kạn. Còn ông Nguyễn Duy Bình là đội viên Đội du kích Ba Bể. Ông Nguyễn Quân kể lại: “Tôi vẫn nhớ thời điểm đó. Ngày 21/08, chi đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân phối hợp ban Mặt trận Việt Minh tỉnh Bắc Kạn tấn công đồn Nhật tại thị xã. Ngày 22/08, Nhật rút khỏi Bắc Kạn. Đến ngày 23/08, tiến hành một cuộc mít tinh chiến thắng và thành lập chính quyền tại trung tâm thị xã Bắc Kạn”.
Ông Nguyễn Duy Bình, Cựu đội viên du kích Ba Bể. Ảnh: VOV |
Ông Nguyễn Duy Bình thì cho biết: “Lúc ấy mọi người vừa đi đều, vừa hô 1-2-1-2, đông vui lắm. Ai có súng thì mang theo, ai không có cũng cầm theo chiếc gậy. Có cán bộ đứng lên nói rõ: hiện nay chúng ta đã giành chính quyền rồi! Bản thân tôi vui lắm. Điều đó có nghĩa là từ nay nhân dân không còn phải làm nô lệ nữa. Trước đây, chúng bắt dân phải đi phu phen, nay thì không còn nữa”.
Sau Cách mạng tháng Tám, Bắc Kạn tiếp tục được chọn là căn cứ địa, nơi sơ tán của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều cơ quan Nhà nước. Tháng 10/1947, quân đội Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, chiếm đóng tỉnh lỵ và lập nhiều đồn bốt dọc theo Quốc lộ 3. Tuy nhiên, quân dân Bắc Kạn và bộ đội chủ lực đã phản kháng quyết liệt, liên tục tổ chức các hoạt động tiêu hao sinh lực địch, như: trận phục kích Đèo Giàng (12/1947), các trận công đồn Phủ Thông (năm 1947 và 1948). Ngày 09/08/1949, quân đội Pháp buộc phải rút khỏi thị xã Bắc Kạn, Phủ Thông, Ngân Sơn về Cao Bằng. Cựu chiến binh Nguyễn Quân xúc động nhớ lại: “Điều quan trọng nhất là quê hương tôi được giải phóng. Tôi đi bộ đội từ khi quân Pháp nhảy dù chiếm Bắc Kạn, và quê hương được giải phóng sau 2 năm chiến đấu. Tôi được trở về quê hương lúc ấy, vui lắm. Gặp lại đồng bào tại các vùng bị quân địch chiếm đóng, khi họ gặp bộ đội giải phóng thì vui lắm, ôm nhau khóc”.
Ngày 24/8/1949, lễ mít tinh mừng tỉnh Bắc Kạn giải phóng được tổ chức trọng thể tại sân bay thị xã Bắc Kạn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Nhật lệnh tuyên dương chiến công của quân và dân Bắc Kạn và đọc thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào tỉnh Bắc Kạn. Thư của Người có đoạn viết: “…Tôi thay mặt Chính phủ gửi lời thân ái khen ngợi bộ đội và dân quân du kích cùng đồng bào Bắc Kạn. Tôi gửi lời thân ái an ủi đồng bào thị xã Bắc Kạn đã được trở lại trong cánh tay yêu mến của Tổ quốc. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến của ta, lần này là lần đầu tiên một thị xã quan trọng đã được giải phóng. Cuộc thắng lợi này sẽ làm đà cho những thắng lợi khác to lớn hơn, vẻ vang hơn…”.