Những dấu chân lịch sử trên đèo Pha Đin

Chia sẻ
(VOV5) - Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có hàng ngàn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến...

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm (1954 - 2024), đèo Pha Đin huyền thoại đã in dấu chân của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong trên hành trình tiếp vận vũ khí, lương thực, thực phẩm cho bộ đội nơi tiền tuyến.

70 năm sau ngày giải phóng, những câu chuyện về một thời hoa lửa vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim những người lính, người dân ở các bản làng dưới chân con đèo này. Họ đang viết tiếp trang sử hào hùng bằng những thành tích mới trong thời bình.

Những dấu chân lịch sử trên đèo Pha Đin - ảnh 1Ông Quàng Văn Khỏ, xã Mường É, huyện Thuận Châu, Sơn La vẫn nhớ những cung đường chi chít hố bom mà ông từng giúp bộ đội san lấp trên đèo Pha Đin. Ảnh: VOV

"Trung đoàn trưởng báo tin là giờ chúng ta giải phóng được Điện Biên rồi,  Tướng De Castries ra hàng rồi, thế là chúng tôi hô hào, vỗ tay, vui lắm, trào nước mắt…"

Giọt nước mắt lăn dài trên má, một lần nữa đưa ông Quàng Văn Khỏ, xã Mường É, huyện Thuận Châu, Sơn La trở lại khoảnh khắc của ngày giải phóng và những năm tháng được góp sức mình làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”

Ở tuổi 95, sức khỏe đã giảm sút, nhưng ông Khỏ vẫn nhớ từng vị trí của đồn đối phương, những cung đường chi chít hố bom mà ông từng san lấp trên đèo Pha Đin, tuyến đường huyết mạch, nối hậu phương rộng lớn tới chiến trường Điện Biên Phủ...

"Tôi đi san lấp hố bom giúp bộ đội từ 5 - 6 giờ chiều, rồi cùng bà con vào rừng chặt cây. Người khiêng đất, người khiêng đá, người khiêng cây. Phải đi ban đêm vì ban ngày máy bay địch bắn. Mình phải ẩn nấp, máy bay đi xong mới tranh thủ làm. Làm ban đêm vất vả lắm, không được ngủ, san lấp hố bom xong, quay về nhà đã 5 giờ sáng, lúc đó lấy cơm sắn ra ăn."

Những dấu chân lịch sử trên đèo Pha Đin - ảnh 2Những câu chuyện về một thời hoa lửa vẫn còn vẹn nguyên với những người lính, người dân ở các bản làng dưới chân đèo Pha Đin. Ảnh: VOV

Đèo Pha Đin nằm giữa 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên, được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của vùng Tây Bắc (Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau Phạ, Mã Pí Lèng), là cửa ngõ của chiến dịch Điện Biên Phủ. Do vậy, quân đội Pháp luôn tìm cách đánh phá trên con đèo này để cắt đứt việc tiếp quân lương của bộ đội Việt Nam ra mặt trận. Máy bay của quân đội Pháp tuần tiễu khu vực đèo hàng chục lần mỗi ngày, thả xuống đèo hàng trăm quả bom nổ chậm, bom bi..., nên nơi này được ví như “túi bom”.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có hàng ngàn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần cơ thể tại đèo Pha Đin huyền thoại này.

Theo ông Lò Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Mường É, huyện Thuận Châu (Sơn La) - xã giáp với đỉnh đèo Pha Đin và giáp ranh với huyện Tuần Giáo (Điện Biên): trong chiến dịch Điện Biên Phủ, địa phương có gần 30 người là bộ đội, thanh niên xung phong và hàng trăm người làm dân công hỏa tuyến.

"Truyền thống ấy trở thành giá trị lớn, tạo động lực để thế hệ trẻ noi theo cha ông về tinh thần cách mạng của dân tộc. Cuộc sống hòa bình hôm nay là công lao của thế hệ đi trước. Hằng năm, trong các buổi sinh hoạt, nói chuyện, chúng tôi đều ôn lại kỷ niệm thời kháng chiến, để thế hệ sau biết được giá trị lịch sử của Đèo Pha Đin nói riêng, chiến thắng Điện Biên phủ nói chung."

Cách đây 4 năm, năm 2020, Đèo Pha Đin được Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia. Tuyến đường đèo dốc chênh vênh, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc năm xưa, nay tiếp tục là con đường huyết mạch, giúp tỉnh Điện Biên giao thương với Sơn La và các tỉnh miền xuôi.

Những dấu chân lịch sử trên đèo Pha Đin - ảnh 3Đèo Pha Đin đã được Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia. Ảnh: VOV

Những ngày này, trên đỉnh đèo Pha Đin thuộc địa bàn huyện Thuận Châu (Sơn La), công trình Đền thờ Liệt sỹ tại Khu di tích lịch sử - văn hoá đèo Pha Đin đang dần hoàn thiện, phấn đấu đưa vào hoạt động trước ngày 30/4. Công trình có tổng diện tích 15.300 m2; gồm các hạng mục: Đền thờ Liệt sỹ, Kỳ đài và các hạng mục phụ trợ khác. Ông Nguyễn Đắc Lực, Bí thư Huyện ủy Thuận Châu, Sơn La, cho biết: "Công trình nhằm tôn vinh giá trị lịch sử đặc biệt của di tích đèo Pha Đin. Sau khi hoàn thành, nơi đây sẽ là điểm nhấn quan trọng của khu di tích đèo Pha Đin, là điểm đến linh thiêng của người dân cũng như du khách thập phương, góp phần thúc đẩy du lịch Sơn La phát triển, qua đó tạo đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của huyện 70 năm sau chiến tranh, đèo Pha Đin vẫn mãi là chứng nhân lịch sử của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tiếp nối truyền thống năm xưa, đồng bào các dân tộc nơi đây đã và đang nỗ lực thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong thời bình, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn".

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu