Những âm thanh tái hiện lịch sử trên VOV qua góc nhìn của người nước ngoài

Việt Anh
Chia sẻ
(VOV5)- Nghiên cứu này quan tâm đến mặt hệ quả, tác động xã hội của âm nhạc trên những chương trình phát thanh: một thời kỳ dài, đã thu hút quần chúng thực sự chờ đợi, “lắng nghe” những chương trình phát sóng phát thanh của Đài.
(VOV5)- Nghiên cứu này quan tâm đến mặt hệ quả, tác động xã hội của âm nhạc trên những chương trình phát thanh: một thời kỳ dài, đã thu hút quần chúng thực sự chờ đợi, “lắng nghe” những chương trình phát sóng phát thanh của Đài.


Tại Viện Văn hóa Pháp L'Espace vừa diễn ra buổi thuyết trình về lịch sử âm nhạc của đài phát thanh ở Việt Nam của tiến sĩ Lonán Ó Briain – Đại học Nottingham (Vương quốc Anh): “Nghe độc lập: Đài phát thanh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

 Nghe âm thanh tại đây:


Quý vị đang nghe giọng đọc tiếng Anh Hannah Trịnh Thị Ngọ huyền thoại một thời của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây cũng là ví dụ mở đầu cho bài thuyết trình của tiến sĩ Lonán Ó Briain, khi ông khẳng định: “Khi nói chuyện với người Châu Âu hoặc Bắc Mỹ về  phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam VOV, phần lớn họ nghe VOV qua chương trình tiếng Anh, và thường biết nhiều đến những nhân vật như Trịnh Thị Ngọ - Hanoi Hannah, người từng làm phát thanh viên của chương trình tiếng Anh, chương trình phản chiến dành cho binh sĩ Mỹ.”


Giới thiệu khái quát lịch sử âm nhạc của đài phát thanh ở Việt Nam, tập trung vào giai đoạn từ khi sự ra đời của Bản tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đến thời kỳ đầu kỷ nguyên vàng của đài phát thanh cuối những năm 1950, cũng như khảo sát những câu chuyện đằng sau những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên, Hoàng Dương, Nguyễn Đình Thi, Văn Chung, Văn Cao, Nguyễn Đức Toàn và các nhạc sĩ khác; tiến sĩ Lonán Ó Briain muốn lý giải về những hình thức âm nhạc nào lại được phát trên sóng phát thanh và tại sao? Mọi người đón nhận phương tiện truyền thông âm nhạc mới này như thế nào?

Những âm thanh tái hiện lịch sử trên VOV qua góc nhìn của người nước ngoài - ảnh 1
Tiến sĩ Lonán Ó Briain - Ảnh: VOV


Tiến sĩ Lonán Ó Briain là Trợ lý Giáo sư âm nhạc của Đại học Nottingham, biên tập viên của Diễn đàn âm nhạc dân tộc và là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ai-len đối với Hội đồng quốc tế về Âm nhạc truyền thống. Phạm vi nghiên cứu chính của tiến sĩ là các nền văn hóa âm nhạc của miền Bắc Việt Nam. Ấn phẩm đầu tay: Âm nhạc của người dân tộc thiểu số: âm thanh của dân tộc Mông ở miền Bắc Việt Nam sắp được phát hành tại Oxford University Press và hiện nay, tiến sĩ đang biên soạn cuốn sách thứ hai về Tổng hợp âm nhạc phát sóng trên Đài Tiếng Nói Việt Nam.


Ông lý giải về nguyên nhân ông đã lựa chọn nghiên cứu này: “Tôi quan tâm đến phát thanh Việt Nam vì tôi đã có rất nhiều thời gian làm việc, nghiên cứu ở đây. Lịch sử Việt Nam rất phức tạp, rất cuốn hút khiến tôi rất hứng thú. Tại sao lại là phát thanh? Vì chúng ta ít khi nghĩ đến khía cạnh lịch sử được tái hiện bằng âm thanh như thế nào, ngoài những ấn phẩm chúng ta vẫn đọc, những bức ảnh chúng ta vẫn xem. Những âm thanh gắn liền với lịch sử đó đã được tái hiện như thế nào, qua quá trình phát triển công nghệ kỹ thuật ra sao, giống như cửa sổ mở ra lịch sử Việt Nam mà vẫn chưa được khám phá hết.”

Những âm thanh tái hiện lịch sử trên VOV qua góc nhìn của người nước ngoài - ảnh 2



Bài thuyết trình nói về những sự kiện đã diễn ra cả về kỹ thuật và âm nhạc từ ngày đầu phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bản tuyên ngôn độc lập được phát sóng vào ngày 7 tháng 9 năm 1945, tiếp theo là đoạn nhạc hiệu “Diệt  phát xít” đầy hứng khởi của Nguyễn Đình Thi, mà theo tiến sĩ Lonan, tác động xã hội  là rất lớn khi chỉ sau một vài tuần nhạc hiệu đó đã trở nên quen thuộc với hầu khắp đại chúng.


Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954), nhiều nhóm tìm cách thu hút công chúng nghe đài, đài phát thanh ở Hà Nội đấu tranh với những trạm phát thanh khác để thu hút thính giả. Đài phát thanh sử dụng nghệ thuật biểu diễn (chủ yếu là thơ, kịch và âm nhạc) như là công cụ chính để thu hút người nghe.                        


Từ giai đoạn này, nhiều bản ballad nổi tiếng nhất của Việt Nam được viết một cách vội vàng và do ca sĩ hát trực tiếp vì không có thiết bị thu âm.


Sau Hiệp định Geneve 1954, một số cơ quan chuyên về phương tiện truyền thông âm nhạc đã được thành lập tại Hà Nội. Trong những năm hòa bình ngắn ngủi này, các nhạc sĩ, nhạc công và nhà sản xuất có thể thu âm trước bài hát, sử dụng hệ thống thu âm có dây (nguyên mẫu của ghi âm băng từ). Các thể loại chương trình đa dạng hơn và sản xuất nhiều phong cách âm nhạc hơn. Sách hướng dẫn được in để giới thiệu cho mọi người cách thu âm không tốn kém cho riêng mình và chính quyền đã thành lập các mạng lưới loa phát thanh công cộng. Và sự chuyển đổi hình thức ở mỗi thời kỳ đều thu hút được số lượng lớn thính giả quan tâm.


“Trong bài trình bày của ông tôi thấy rất là ấn tượng và đặc biệt là về chương trình Tết những năm 50 thì phải có chương trình dành cho trẻ em. Mà tôi nhìn nhận trẻ em là một nhóm đối tượng được truyền thông radio nhắm đến.”

“Anh có nói trong bài thuyết trình của mình, như là âm nhạc đóng 1 vai trò xã hội rất quan trọng và rađio cũng đóng 1 vai trò rất quan trọng trong đời sống của người dân trong một thời gian rất dài.”

Đó là những nhận xét của một nữ khán giả và giáo sư lịch sử Andrew Hardy về nghiên cứu của Lonan Ó Briain. 


Điều quan trọng, là nghiên cứu này quan tâm đến mặt hệ quả, tác động xã hội của âm nhạc trên những chương trình phát thanh: một thời kỳ dài, đã thu hút quần chúng thực sự chờ đợi, “lắng nghe” những chương trình phát sóng phát thanh của Đài, như Tiến sĩ Lonán Ó Briain chia sẻ:  “Đây là suy nghĩ trung tâm của tôi. Trở lại nhan đề bài nói chuyện  “nghe” hoặc “lắng nghe”. Như trong căn phòng này tôi có thể nghe thấy tiếng điều hòa nhiệt độ. Nhưng tôi không lắng nghe nó. Đó là sự khác biệt giữa nghe và lắng nghe. Tôi nghĩ là từ góc độ dân tộc học của tôi trong âm nhạc, thì ở đây câu chuyện là radio được người ta lắng nghe hay chỉ đơn thuần là nghe thấy?”

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu