Nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai trong lĩnh vưc khí tượng thủy văn

Chia sẻ
(VOV5) - Đây là những văn bản có ý nghĩa quan trọng, cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp 

Tại hội thảo "Lấy ý kiến các Bộ, ngành về các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật năm 2019 phục vụ phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội bền vững" do Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều 5/8, tại Hà Nội, các đại biểu khẳng định sự cần thiết phải rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để tránh chồng chéo, nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững hiện nay.

Nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai trong lĩnh vưc khí tượng thủy văn - ảnh 1

Ảnh VOV 

Ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung bộ nêu ý kiến: Trước đây có một số trạm đo mưa thì có mức báo động, nhưng ở các sông suối nhỏ thì không có cho nên việc dự báo đưa ra cấp báo động cho các địa phương để chỉ đạo ứng cứu còn gặp nhiều khó khăn. Lần này bổ sung được những trạm đo mưa thì rất tốt. Tiếp nữa là bản tin thiên tai làm sao đến được với người dân phòng tránh được thiệt hại là quan trọng nhất. Để làm được điều này phải là sự chủ động của chính quyền, nhận thức của người dân và công tác tuyên truyền thông tin.

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là những văn bản có ý nghĩa quan trọng, cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định Luật khí tượng thủy văn và Luật phòng chống thiên tai đã ban hành. Qua đó, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội bền vững: Trong tháng 9 năm nay Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành 2 Quyết định về báo động lũ và sửa đổi Nghị định 38 sau đó đến tháng 11 sẽ ban hành Quyết định số 46 về cảnh báo, dự báo và truyền tin thiên tai. Mỗi 1 loại quyết định đều phù hợp để chúng ta có được cơ sở ứng xử với thiên tai và thích ứng với các loại hình thiên tai để giảm thiểu thiệt hại. Đến nay các mức báo động lũ, các loại hình thiên tai cũng do các địa phương đề xuất lên vì vậy các văn bản pháp luật được ban hành có thực tiễn cao đối với các địa phương trong quá trình thực hiện.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu