Hiện có nhiều cách hiểu khác nhau về mô hình không rác, nhưng tựu chung có thể coi đây là cách tiếp cận quản lý chất thải toàn diện trong đó ưu tiên giảm thiểu rác thải và tăng tỷ lệ phục hồi nguyên liệu hướng tới mục tiêu tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn và thu hẹp việc xử lý chất thải xuống mức không.
Hiểu rác để hiểu chính mình là một trong những khẩu hiệu của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh hiện nay. - Ảnh Green Hub |
Zero waste - mô hình không rác tại Việt Nam được biết đến như thế nào?
Khái niệm cũng như mô hình không rác zero waste lần đầu tiên được biết đến tại Việt Nam vào năm 2017 thông qua chương trình hỗ trợ của Liên minh toàn cầu về các giải pháp thay thế lò đốt (GAIA) và Trung tâm Tư vấn Phát triển Bền vững (C4SD).
Ảnh: VZWA |
Nhưng phải đến hai năm sau, phong trào zero waste mới thực sự biết nhiều hơn tại Việt Nam với sự tham gia của Trung tâm Bảo tồn Động vật Biển và Phát triển Cộng đồng, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (Green Hub), Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm và Đại học RMIT.
Tiến sĩ Quách Thị Xuân, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển Bền vững và hiện là điều phối viên của Liên minh không rác Việt Nam (VZWA), cho biết việc thành lập Liên minh VZWA dựa trên bốn chiến lược trụ cột: xây dựng mô hình không rác, vận động chính sách, vận động doanh nghiệp - tức là vận động doanh nghiệp chịu trách nhiệm về ô nhiễm môi trường và tăng cường năng lực và mở rộng mạng lưới.
Kết quả đạt được cho đên nay của mô hình không rác tại Việt Nam
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, mô hình không rác được triển khai tại bốn địa điểm: Giao Hải - Giao Thủy, Nam Định, Cù Lao Chàm ở Hội An, Quảng Nam, Tuy Hòa - Phú Yên và ở Phổ Thạnh, Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Cơ sở phục hồi tài nguyên MRF tại Cù Lao Chàm |
Đầu năm 2000, VZWA quyết định tập trung đầu tư cho Hội An và Phú Yên “bởi ngay từ đầu, VZWA đã đặt kế hoạch xây dựng Hội An thành thành phố không rác đầu tiên của Việt Nam,” tiến sĩ Xuân cho biết.
Bà Xuân cho biết Hội An và Tuy Hòa được chọn tiếp tục thực hiện mô hình zero waste vì “Lãnh đạo ở những địa phương này có tư duy mở. Họ thấy hướng đi đó là đúng và họ muốn áp dụng mô hình đó vì một tương lai bền vững.”
Để mô hình không rác thực sự phát huy tác dụng và hoạt động hiệu quả, không thể thiếu cơ sở phục hồi tài nguyên (MRF). Mỗi một cơ sở MRF sẽ phụ trách rác của một/một số khu vực. Sau khi rác của các hộ gia đình được phân loại riêng theo luật tài nguyên và môi trường sẽ được thu gom riêng về cơ sở MRF. Ở đây rác hữu cơ sẽ được làm phân vi sinh. Rác tái chế giá trị cao, giá trị thấp đều đem bán được. Chỉ phần còn lại mới được gom lại và đưa lên bãi rác.
Với sự hỗ trợ của nhiều nhà tài trợ như: Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), Green Hub, và UNESCO, đô thị cổ Hội An đã có một cơ sở phục hồi tài nguyên (MRF) tại Cù Lao Chàm và hai cơ sở MRF trong đất liền. Dự kiến đến năm 2022, Hội An sẽ có thêm 5 cơ sở MRF trong đất liền.
Người dân xã Tân Thanh, Hội An giới thiệu cở sở phục hồi tài nguyên MRF - Ảnh: Hoang Vy/ VNS
|
Khó khăn khi thực hiện mô hình không rác tại Việt Nam
Bên cạnh việc xây dựng mô hình không rác ở khu dân cư, Liên minh không rác Việt Nam đang triển khai mô hình trường học không rác và đạt được một số kết quả khả quan với hai mô hình nổi bật tại Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh và hệ thống trường mầm non và tiểu học Genesis tại Hà Nội.
Khi thực hiện mô hình này, cả tiến sĩ Xuân, anh Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng công tác học sinh trường Genesis, và chị Lê Thị Hạnh An, Giám đốc Dự án “Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh không rác thải” đều có chung nhận định:
“Điểm khó nhất chính là đả thông tư tưởng về rác và quản lý rác. Thuyết phục người dân đã khó, thuyết phục các cơ quan, các cán bộ quản lý tài nguyên và môi trường có khi còn khó hơn. Khó khăn thứ hai là Việt Nam có rất ít tổ chức môi trường chuyên làm về rác thải,” bà Xuân cho biết.
Theo anh Hiếu vấn đề nằm ở chỗ: “thông thường mọi người hay nghĩ đến những khó khăn đầu tiên về kỹ thuật, về khoa học và liệu mình có đủ tiền, có đủ tài nguyên hay cơ sở vật chất để làm không? Nhưng nếu phân tích sâu, tôi thấy vấn đề khó nhất là sự thay đổi hành vi nhận thức và thói quen của mọi người.”
Còn chị An cho rằng: “Gốc rễ và nền tảng vẫn là truyền thông kiến thức, thay đổi nhận thức, tư duy, hành động của người học, giảng viên, viên chức. Điều làm cho mô hình không rác ở trường học khác biệt chính là ứng dụng công nghệ thông minh và lấy người học làm trung tâm của quá trình này.”
Từ năm 2006 đến năm 2009, Cơ quan Hợp tác và Phát triển Nhật Bản (JICA) đã tài trợ 3 triệu USD để Hà Nội thực hiện dự án xử lý chất thải theo phương pháp 3R - giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế rác thải sinh hoạt - nhằm thúc đẩy xã hội tuần hoàn vật chất. Song cho đến nay việc phân loại rác thải tại nguồn vẫn còn nặng tính hình thức và chưa tạo được thói quen cho mỗi người dân.
Tiến sĩ Quách Thị Xuân, điều phối Liên minh không rác Việt Nam (VZWA), giới thiệu mô hình không rác tại Phú Yên tháng 122020 - Ảnh tapchimoitruong.vn |
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, tiến sĩ Xuân cho rằng đó là vì thiếu cơ sở hạ tầng liên quan đến phân loại rác và đầu tư đúng mức cho các cơ sở sản xuất, tái chế phân bón sinh học.
“Chúng ta nên hiểu phần thí điểm VZWA làm là cách tiếp cận từ dưới lên, hay thường được gọi là hỗ trợ tư vấn kỹ thuật. Nhưng nếu không có chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước thì mô hình không thể lan tỏa rộng được. Chính vì vậy trong hợp phần của VZWA còn có hợp phần vận động chính sách, tức là tiếp cận từ trên xuống,” tiến sĩ Xuân cho biết.
Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng "đầu voi đuôi chuột" của các chương trình phân loại rác tại nguồn trước là sự thiếu thống nhất từ trung ương đến địa phương về cách hiểu các quy định phân loại rác. Tiến sĩ Xuân nhận xét và cho biết thêm: đốt rác là phương án cuối cùng trong hệ thống phân cấp rác trong mô hình không rác.
Song có một điều đáng mừng như tiến sĩ Xuân nói mọi thứ bắt đầu thay đổi khi ô nhiễm chất thải nhựa trở thành mối quan tâm toàn cầu và Việt Nam được biết đến là quốc gia thứ tư trên thế giới thải ra biển nhiều nhất chất thải nhựa. Kể từ đó hầu như tất cả các tổ chức môi trường đều đưa hợp phần rác thải nhựa vào các hoạt động của mình.
Hầm làm phân com-pốt hữu cơ do học sinh trường Phổ Thông Dân Tộc Nội Trú tỉnh Phú Yên An xây với sự hỗ trợ của tổ chức Green Hub - Ảnh - GreenHub
|
Giải pháp đặt ra
Hiện mô hình không rác đã dần được biết đến nhiều hơn và áp dụng rộng rãi hơn tại Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để người dân cả nước chấp nhận và có thói quen phân loại rác hàng ngày?
“Khi mình đã có quy định về phân loại riêng các loại rác, mình cũng phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng để thu gom cũng như xử lý riêng các loại rác - đây cũng là cách để tạo được nguồn vốn. Khi có nguồn lực rồi thì phải có những chính sách về xã hội hóa cho tư nhân tham gia vào quản lý rác. Người ta sẽ tự thu phí rác của người dân và vận hành ở trong một khu vực nhỏ nhưng áp dụng đúng quy định về phân loại rác,” tiến sĩ Xuân nhấn mạnh.
Ngoài việc tăng cường tuyên truyền thông tin về mô hình không rác, tiến sĩ Xuân khuyến nghị các trường học cần quyết tâm giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của mô hình không rác bởi về lâu dài nguồn nội lực mới là nguồn lực chính và quan trọng hơn cả.
“Nếu có sự tham gia của người dân, có chính sách của Nhà nước thì không cần đến đến ngoại lực, nội lực của mình có thể giải quyết được hết. Mỗi người có ý thức, đóng góp một chút, tự giác phân loại, tự giác giảm thiểu rác, công ty môi trường có trách nhiệm thu gom đúng theo quy định và xử lý đúng theo tiêu chuẩn thì tự mình sẽ giải quyết được bài toán này. Một yếu tố nữa là phân bổ lại vốn đầu tư làm sao cho thích hợp,” tiến sĩ Xuân kết luận.