Vùng đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế xã hội trọng điểm của cả nước. Để du lịch toàn vùng khai thác tối ưu tiềm năng lợi thế theo hướng bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát huy giá trị nền văn minh sông Hồng, vừa qua 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng nhất trí thúc đẩy hợp tác -phát huy thế mạnh cùng phát triển, nhằm biến khu vực này thành trung tâm du lịch của cả nước. Nội dung này được đề cập trong bài viết của PV Hà Linh: Liên kết du lịch vùng đồng bằng sông Hồng để cùng phát triển”
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh thành gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh rộng hơn 21.260 km vuông. Đây được coi là cửa ngõ ở phía biển Đông và thế giới và là một trong những cầu nối trực tiếp giữa hai khu vực phát triển năng động Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Các địa phương trong vùng đang nỗ lực khai thác tiềm năng, tài nguyên du lịch theo nhiều hướng rất đa dạng như du lịch biển đảo (Vịnh Hạ Long, Đồ Sơn, Cát Bà…), du lịch văn hóa (Văn Miếu Quốc Tử Giám, Chùa Hương, chùa Keo,..) du lịch sinh thái như Vường quốc gia Cúc Phương, Ba Vì, Vân Long… hay du lịch tâm linh (Chùa Tam Chúc, Bái Đính, Tây Thiên…, cùng phong phú các loại hình du lịch văn hóa cộng đồng đậm bản sắc địa phương (ẩm thực, làng nghề, lễ hội). Nhiều di sản của Vùng được thế giới công nhận như Vịnh Hạ Long, quần thể danh thắng Tràng An…và nhiều di sản vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu khác…
Có thể nói, sự đa dạng về tài nguyên, văn hóa trải rộng trên hầu hết 11 tỉnh thành đang tạo điều kiện để xây dựng các sản phẩm du lịch Việt hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch.
Hội nghị liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Ninh Bình và các tỉnh đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh thành phố. |
Tuy nhiên, theo ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng, Tổng Cục Du lịch Việt Nam, do có nhiều điểm tương đồng về tài nguyên tự nhiên nên các sản phẩm du lịch vùng còn nhiều sự trùng lặp, thiếu tính đặc thù... dẫn đến việc du khách trải nghiệm ở địa phương này thì không cần đến các điểm trong vùng khác.
Chính vì thế, để du lịch vùng đồng bằng sông Hồng tạo được kết quả bứt phá, tương xứng với tiềm năng thế mạnh của mình, các địa phương cần tăng cường mạnh mẽ hơn nữa sự liên kết phát triển vùng: “Du lịch văn hóa, văn minh đồng bằng sông Hồng là một niềm tự hào của Việt Nam, trở thành điểm đến vô cùng hấp dẫn có sức cuốn hút mạnh mẽ nếu các địa phương, các doanh nghiệp biết khai thác, liên kết, hợp tác cùng nhau tìm ra chủ đề, tạo ra chuổi sản phẩm du lịch kết nối điểm đến giữa các địa phương, tạo ra nhiều trải nghiệm liên tỉnh, thì sẽ vô cùng đặc sắc và rất tốt cho ngành du lịch Việt”.
Trải nghiệm ngồi thuyền vãn cảnh ở quần thể du lịch Tràng An - Ninh Bình. Ảnh HL |
Liên kết vùng trong du lịch đã chứng minh được tính hiệu quả trên thế giới và trong nước. Nhiều liên kết vùng bắt đầu phát huy hiệu quả như nhóm liên kết 6 tỉnh Việt Bắc, 5 địa phương miền Trung, hay hợp tác phát triển đồng bằng sông Cửu Long. Thông qua kết nối, các địa phương đã chủ động chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nghiệp vụ, tài chính cùng nhau để hình thành chuỗi sản phẩm đặc trưng, thu hút khách du lịch, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế địa phương.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu, nguyên vụ trưởng Vụ đào tạo ( Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định, liên kết du lịch vùng là tất yếu trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp không khói ở Việt Nam hiện nay: “Có một nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là một điểm tựa, cơ sở về chủ trương để các địa phương thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào hạ tầng sản phẩm, đặc biệt vào công nghệ để khai thác giá trị văn hóa, sinh thái các tỉnh, liên kết làm sao sự kết dính giữa các địa phương, tổng thể tạo nên sức mạnh hội tự, tạo nên tiếng vang sức hấp dẫn cho Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới”.
Buổi sáng ở quần thể chùa Tam Chúc, Hà Nam |
Nhận diện được sức mạnh của sự liên kết du lịch vùng, 11 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng đang cùng nhau đưa ra giải pháp, thiết kế những chương trình, sản phẩm du lịch đặc trưng có chiều sâu, những tour tuyến theo chủ đề, và từ các điểm đến sẽ tạo ra nhiều sự phối hợp đa dạng. Trong đó, thủ đô Hà Nội được xác định là điểm trung chuyển, phân phối khách du lịch đến các điểm đến vệ tinh trong vùng, cùng với vai trò dẫn dắt đầu tàu của cơ quan quản lý các địa phương, các hiệp hội du lịch...
Ông Lê Thanh Tùng, Tổng giám đốc công ty lữ hành Sài Gòn - Hà Nội Tourist, phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch cộng đồng Việt Nam cho rằng, muốn sự liên kết du lịch bền vững cần phải tăng nhiều hơn nữa kết nối chặt chẽ giữa các nhà lữ hành trong vùng và trên cả nước: “Những nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành địa phương cần phải lan tỏa làm sao gắn kết ở 63 tỉnh thành. Bởi doanh nghiệp lữ hành chính là người khách du lịch đến cho địa phương. Cho nên, tôi mong muốn luôn có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa những công ty lữ hành ở các vùng miền trong cả nước. Tôi nghĩ rằng, điều này không chỉ tăng sự đa dạng cho sản phẩm du lịch mà quan trọng là giúp giảm đáng kể chi phí trùng lắp.”
Một phần kiến trúc Nhà thờ đổ Hải Lý, Nam Định. Ảnh dulich Nam Định |
Cùng với đó, mỗi địa phương cần xây dựng và phát triển hình ảnh điểm đến, thương hiệu với những giá trị tích cực, tính hấp dẫn riêng đề thu hút sự quan tâm của các học giả, chuyên gia cũng như trong thực tế triển khai hoạt động du lịch. Tại các điểm du lịch, cần có những biện pháp khai thác tài nguyên theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường xúc tiến, quảng bá, không để bị lạm dụng cho các mục đích khác khi đầu tư, đặc biệt là trong bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên trên cơ sở đó để hình thành các chuỗi giá trị đặc trưng tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng của vùng.