Huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam bảo vệ, phát triển rừng gắn với sinh kế người dân

Chia sẻ
(VOV5) - “Rừng còn, Tây Giang phát triển; Rừng mất, Tây Giang suy vong”- Đó là khẩu hiệu bảo vệ rừng của huyện Tây Giang.

Tây Giang là 1 trong 9 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, giáp với Lào, diện tích hơn 900 km2, có 10 dân tộc đang sinh sống, trong đó dân tộc Cơ Tu đông nhất chiếm khoảng 95% dân số. Là đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích rừng nguyên sinh lớn nhất Việt Nam, chính quyền huyện Tây Giang đặc biệt quan tâm bảo vệ, phát triển rừng gắn với sinh kế của người dân. “Rừng còn, Tây Giang phát triển; Rừng mất, Tây Giang suy vong”- Đó là khẩu hiệu bảo vệ rừng của huyện Tây Giang.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Huyện Tây Giang có gần 92.000 ha rừng tự nhiên. Số lượng quần thể cây Di sản ở huyện Tây Giang lớn nhất Đông Nam Á. Rừng ở đây có hệ động thực vật phong phú, đa dạng, tỷ lệ che phủ rừng hơn 74%, đạt tỷ lệ khá cao so với các địa phương khác.
Huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam bảo vệ, phát triển rừng gắn với sinh kế người dân - ảnh 1Phong cảnh Tây Giang. Ảnh do Sở du lịch văn hóa Quảng Nam cung cấp

Hiện nay, huyện Tây Giang bảo tồn rất tốt các khu rừng di sản. Trong đó có Quần thể rừng Đỗ Quyên, mọc trên đỉnh K'Lang (xã Tr'hy) ở độ cao hơn 2.000m. Khu rừng này được ví như báu vật của người Cơ Tu và là một trong số ít rừng Đỗ Quyên nguyên sinh còn lại ở Việt Nam. Tại đây, hơn 430 cây Đỗ Quyên cổ thụ hàng trăm năm tuổi đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Việc giao khoán cho cộng đồng bảo vệ rừng rất phù hợp vì bà con ở đây có tính cộng đồng rất cao, việc bảo vệ rừng do toàn dân thực hiện.

Huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam bảo vệ, phát triển rừng gắn với sinh kế người dân - ảnh 2Già Bríu Pố, người có uy tín ở xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh Ngọc Anh

Ông Bhling Mia, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Tây Giang, cho biết: "Rừng là sự sinh tồn cho sự phát triển cho đồng bào các dân tộc phía Tây tỉnh Quảng Nam, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo tồn các giá trị văn hóa. Chính quyền huyện Tây Giang đã xác định: rừng còn, Tây Giang phát triển; nếu rừng mất là Tây Giang sẽ chậm phát triển.Đến nay, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đã đi vào cuộc sống. Thời gian tới, huyện tiếp tục có chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc để họ gắn bó, vừa trồng rừng, vừa có chính sách thụ hưởng an sinh xã hội. Huyện tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, chuyển tất cả diện tích rừng hiện nay hơn 800 ha không có đủ chức năng che phủ và không có đủ chức năng sản xuất mà tăng cường trồng rừng gỗ lớn để bảo đảm đời sống cho bà con, gắn với mục tiêu giảm nghèo."

Huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam bảo vệ, phát triển rừng gắn với sinh kế người dân - ảnh 3 Làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang. Ảnh: Ngọc Anh

Về phía người dân, hoạt động bảo vệ rừng được lan tỏa thông qua các lễ hội văn hóa. Vào dịp đầu năm mới, người Cơ Tu tổ chức Lễ hội Tạ ơn rừng, Lễ hội còn là lời hứa của đồng bào trong việc nâng cao ý thức về quản lý và bảo vệ rừng. 

Hiện, huyện Tây Giang đang khai thác hài hòa giá trị của rừng gắn với phát triển du lịch, vừa bảo vệ được rừng vừa nâng cao đời sống cho người dân. Huyện đã chọn thôn Ta Lang, Pơr’ning, Làng du lịch sinh thái Di sản Pơmu, Homestay Lộc Trời, thôn văn hóa, sinh thái, cộng đồng Aur để xây dựng mô hình du lịch xanh kiễu mẫu.

Huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam bảo vệ, phát triển rừng gắn với sinh kế người dân - ảnh 4Quang cảnh lễ hội khai năm Tạ ơn rừng năm 2023 ở huyện Tây Giang

Huyện Tây Giang cũng có chủ trương phát triển trồng dược liệu, khuyến khích người dân trồng cây ba kích, đẳng sâm xen kẽ với nương rẫy, hoặc trồng dưới tán rừng. Những mô hình trồng thảo dược, như: táo mèo, đẳng sâm, ba kích tím, sa nhân tím, thảo quả, bảy lá một hoa (thất diệp nhất chi hoa, là cây thuốc rất quý, hiếm nằm trong sách Đỏ Việt Nam)… được đồng bào nhân rộng dưới những tán rừng nguyên sinh.Nhiều gia đình nơi đây giàu lên nhờ trồng dược liệu.

Ông Bríu Pố, già làng xã Lăng, huyện Tây Giang, cho biết: "Ba kích là cây thân dây có từng đốt, từng đốt như cây khoai lang, nên mọc dễ, dễ trồng. Diện tích ba kích hiện nay của tôi là 1,3 ha. Trung bình 4 -5 khóm cây thu hoạch được 1 kg củ ba kích, bán giá 500 ngàn đồng/kg, 1 năm thu nhập hơn 100 triệu đồng (hơn 4.100 USD). Ở quê hương tôi chả có cây trồng nào có giá 500 ngàn đồng/kg (gần 21 USD/kg). 65 - 70% gia đình nhờ trồng cây ba kích mà xóa được đói, giảm được nghèo."

Huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam bảo vệ, phát triển rừng gắn với sinh kế người dân - ảnh 5Một cây Pơ Mu cổ thụ ở huyện Tây Giang

Phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng đang là xu thế chung của thế giới. Nhờ bảo tồn tốt rừng tự nhiên mà huyện Tây Giang nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung, có thể tiến tới bán tín chỉ carbon, mang hiệu quả kinh tế rất cao.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Tín chỉ carbon theo sơ bộ tính toán, phát thải và hấp thu của Quảng Nam còn dư ra một số lượng rất lớn. Chúng tôi tính khả năng thu lại bán tín chỉ carbon là hơn 100 tỷ đồng (gần 4,2 triệu USD).

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có rất nhiều cây dược liệu và chủ trương của tỉnh Quảng Nam tiến tới trở thành một trung tâm dược liệu ở miền Trung - Tây Nguyên. Chủ trương này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý."

Huyện Tây Giang là điểm sáng trong công tác bảo vệ, phát triển rừng ở tỉnh Quảng Nam. Không chỉ bảo vệ được rừng, mà huyện còn phát huy hiệu quả giá trị của rừng để phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu