Trong 30 năm qua, Chính phủ Hoa Kỳ đã đóng góp hơn 125 triệu đô la Mỹ cho các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam. Thông qua nhiều dự án, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã góp phần giúp nâng cao chất lượng sống cho người khuyết tật Việt Nam. Đó là các hoạt động cung cấp hỗ trợ nhân đạo trực tiếp như: chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình; cung cấp những dịch vụ thiết yếu dành cho người khuyết tật… Phóng viên VOV5 phỏng vấn bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam về việc hỗ trợ cho người khuyết tật Việt Nam trong những năm vừa qua.
Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Thưa bà, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tập trung hỗ trợ cho những người khuyết tật Việt Nam theo hình thức như thế nào trong những năm vừa qua?
Bà Ann Marie Yastishock: Kể từ năm 1989, với việc thành lập Quỹ Nạn nhân Chiến tranh Patrick Leahy của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), chúng tôi đã bắt đầu hoạt động hỗ trợ người khuyết tật. Các dự án hỗ trợ người khuyết tật của USAID tại Việt Nam đã phát triển theo thời gian, từ cung cấp hỗ trợ nhân đạo trực tiếp như chân, tay giả và các dịch vụ chỉnh hình đến hỗ trợ nâng cao năng lực cho hệ thống y tế trong nước nhằm mang đến các dịch vụ thiết yếu cho người khuyết tật.
USAID cũng tích cực hỗ trợ công tác sửa đổi và thực thi các chính sách về người khuyết tật, trong đó Luật người khuyết tật Việt Nam năm 2010 và hành lang pháp lý bảo vệ quyền của người khuyết tật. Năm 2014, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền của người khuyết tật. USAID tự hào là một phần trong những tiến trình này.
Lễ trao tặng xe lăn và máy trợ thính cho người khuyết tật tại Đà Nẵng. |
USAID đã cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho hơn 1 triệu người lớn và trẻ em khuyết tật tại Việt Nam. Các dự án của USAID đã tập huấn cho hơn 5.000 chuyên gia phục hồi chức năng ở tất cả các cấp. USAID cũng hỗ trợ thành lập hơn 60 đơn vị phục hồi chức năng ở 7 tỉnh mục tiêu. Ngoài ra, USAID đã hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo đại học tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên về Hoạt động trị liệu và Ngôn ngữ trị liệu, đồng thời hỗ trợ nâng cấp các chương trình đào tạo về phục hồi chức năng của một số trường đại học. Hỗ trợ của USAID đã giúp gia tăng số lượng các dịch vụ phục hồi chức năng được Bảo hiểm Y tế chi trả từ 33 lên 265 dịch vụ và các đối tác dự án của chúng tôi vẫn đang tiếp tục vận động chính sách để bao phủ bảo hiểm y tế rộng hơn đối với các dụng cụ trợ giúp.
Một gia đình người khuyết tật tại Quảng Nam được USAID hỗ trợ xe lắc. |
Bên cạnh đó, USAID cũng hỗ trợ cải thiện khả năng tiếp cận cơ sở vật chất tại Việt Nam nhằm xóa bỏ các rào cản đối với việc hòa nhập của người khuyết tật. Nhờ đó, 60% các sân bay của Việt Nam đã lắp đặt các thiết bị hỗ trợ tiếp cận dành cho người khuyết tật, yêu cầu về tiếp cận cơ sở vật chất đã được đưa vào trong đánh giá hoạt động thường niên của các bệnh viện và cùng với đó là chiến lược thiết kế giao thông tiếp cận phổ quát do Bộ Giao thông Vận tải xây dựng.
Tháng 12/2019, USAID ký một thỏa thuận với Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) về khoản tài trợ 65 triệu đô la Mỹ nhằm thực hiện các hoạt động cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho người khuyết tật nặng tại 8 tỉnh ưu tiên trong thời gian 5 năm. |
Phóng viên: Bà có thể cho biết USAID hỗ trợ Chương trình trợ giúp người khuyết tật Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 cụ thể như thế nào?
Bà Ann Marie Yastishock: Kể từ năm 1989 đến nay, chúng tôi đã đóng góp hơn 125 triệu đô la hỗ trợ người khuyết tật ở Việt Nam và USAID sẽ tiếp tục là một đối tác tích cực của Việt Nam trong hoạt động cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật trong giai đoạn 10 năm tới.
Trong 5 năm tới đây, chúng tôi sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ dành cho người khuyết tật ở 8 tỉnh bị phun rải nặng chất da cam, bao gồm Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh và Kon Tum. Mục tiêu của dự án này là mở rộng các dịch vụ xã hội và phục hồi chức năng dành cho người khuyết tật và hỗ trợ củng cố các chính sách về người khuyết tật. USAID có nhiều dự án khác nhau do 10 đối tác trong nước và quốc tế thực hiện, bao phủ nhiều dịch vụ như can thiệp sớm ở trẻ, can thiệp phục hồi chức năng trực tiếp tại bệnh viện và tại nhà, xây dựng các hướng dẫn quốc gia và các chương trình đào tạo về phục hồi chức năng.
Năm 2019, USAID công bố một dự án mới kéo dài 5 năm với ngân sách 65 triệu đô la Mỹ được thực phối hợp với Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (gọi tắt là NACCET). Đây là dấu mốc mở ra một chương mới trong quan hệ đối tác hợp tác giữa USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam. Dự án này đóng một vai trò rất quan trọng không chỉ đối với hoạt động cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật mà còn giúp khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lòng tin và củng cố quan hệ song phương. Do đó, chúng tôi cho rằng Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục dành ưu tiên cho các chương trình hỗ trợ người khuyết tật trong thời gian tới.
USAID hỗ trợ cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng cho người khuyết tật. |
Phóng viên: Theo USAID, cần làm những gì nhằm không để các hộ nghèo là người khuyết tật nghèo suốt đời?
Bà Ann Marie Yastishock: Khuyết tật và nghèo có mối liên hệ với nhau và tạo ra một vòng luẩn quẩn. Người khuyết tật ít có cơ hội tiếp cận giáo dục, phát triển kỹ năng và cơ hội việc làm từ khi còn trẻ đến khi trưởng thành do các điều kiện về sức khỏe, sự hạn chế hoặc khó tiếp cận với các dịch vụ và cơ hội.
USAID đã và đang thực hiện những nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề này. Các dự án của USAID đều hướng tới mục tiêu tăng cường giáo dục cho trẻ khuyết tật và thúc đẩy các cơ hội việc làm hòa nhập với nhiều công ty tư nhân. Vấn đề về tiếp cận cơ sở vật chất cũng được khắc phục thông qua sự phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải.
USAID cung cấp dụng cụ hỗ trợ và dịch vụ phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại tỉnh Tây Ninh. |
Bằng cách tăng cường các dịch vụ phục hồi chức năng dành cho người khuyết tật và hỗ trợ can thiệp sớm cho trẻ nhỏ, chúng tôi đã giúp cải thiện tình trạng sức khỏe, sự độc lập và các cơ hội việc làm dành cho người khuyết tật. Những nỗ lực này giúp người khuyết tật trở thành thành viên có đóng góp cho xã hội, giảm thiểu gánh nặng lên hệ thống an sinh xã hội và giúp họ thoát nghèo.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà.