Tỷ lệ nghèo đa chiều (theo chuẩn nghèo đa chiều của Việt Nam) giảm đáng kể từ 15,9% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2016, khoảng 6 triệu người đã thoát nghèo. Song khoảng cách nghèo giữa các vùng miền và các nhóm dân tộc vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc thực hiện thành công Mục tiêu phát triển bền vững số 1 (SDG1) "Giảm nghèo ở mọi chiều cạnh và ở mọi nơi".
Đây là một trong những nội dung chính của Báo cáo phân tích về Nghèo đa chiều ở Việt Nam: "Giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh để bảo đảm cuộc sống có chất lượng cho mọi người" do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam công bố, sáng 19/12, tại Hà Nội.
Trao tặng bò giống sinh sản cho các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. - Ảnh: Quang Cường/TTXVN
|
Báo cáo cũng khẳng định những tiến bộ ấn tượng của Việt Nam trong việc thực hiện SDG1. Trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam cam kết đạt được vào năm 2030, mục tiêu phát triển bền vững số 1 (SDG1) về giảm nghèo có khả năng đạt được cao nhất. Thành tích về giảm nghèo đã giúp Việt Nam đứng thứ 57 trong tổng số 193 nước thành viên của Liên hợp quốc về chỉ số SDG năm 2018, tăng 9 bậc so với xếp hạng năm 2017.
Theo bà Caitlin Wiesen, Quyền đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, Việt Nam có thể tiếp tục giảm nghèo thành công hay không phụ thuộc vào khả năng bảo đảm tăng trưởng bao trùm tạo công ăn việc làm tốt hơn cho người dân và hỗ trợ hiệu quả những người bị bỏ lại xa nhất.