Trong Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 3 vừa công bố mới đây, Việt Nam khẳng định coi trọng cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ), nghiêm túc triển khai các khuyến nghị UPR của các nước. Đây cũng là cách Việt Nam tăng cường bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và điều này đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về nhân quyền.
Ảnh: nhandan |
- Cơ chế UPR là cơ chế liên chính phủ của Hội đồng Nhân quyền, có nhiệm vụ rà soát tổng thể tình hình nhân quyền tại tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, được tiến hành định kỳ từ 4 đến 5 năm một lần theo nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch, xây dựng. Việt Nam ủng hộ cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền và luôn nghiêm túc trong xây dựng các báo cáo quốc gia cũng như trong triển khai các khuyến nghị Việt Nam chấp nhận ở chu kỳ 1 (2009) và chu kỳ 2 (2014).
Nhiều chính sách mới bảo đảm quyền con người được ban hành
Báo cáo chu kỳ 3 của Việt Nam nêu bật những tiến bộ trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người kể từ lần rà soát chu kỳ 2, nhấn mạnh việc này được thể hiện xuyên suốt trong các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược cải cách tư pháp cũng như quá trình triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam, trong đó có các khuyến nghị UPR mà Việt Nam đã chấp thuận. Báo cáo đánh giá kể từ lần rà soát chu kỳ 2, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện về mặt pháp luật, thể chế, chính sách về quyền con người, tạo nền tảng vững chắc và mang lại những kết quả thực tiễn đáng khích lệ. Kể từ lần rà soát chu kỳ 2, nhiều chính sách mới quan trọng đã được ban hành với mục tiêu để mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, trong đó có việc thông qua Hiến pháp 2013 và sửa đổi ban hành mới trên 90 văn bản luật có liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Việt Nam cũng đặc biệt nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm quyền phát triển, quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương, quyền của người lao động. Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách về giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, thúc đẩy nông nghiệp bền vững, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Về thực hiện các cam kết quốc tế và hợp tác quốc tế về quyền con người, kể từ lần rà soát trước, Việt Nam đã phê chuẩn thêm hai công ước về quyền con người gồm: Công ước về Quyền của người khuyết tật và Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Như vậy, Việt Nam hiện là thành viên của 7/9 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người.
Đặc biệt, kể từ lần rà soát trước đến nay, Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên thực tế, bao gồm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.Trong giai đoạn này, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng, trong đó thu nhập của hộ nghèo tăng từ 15-20%; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% năm 2015 xuống 7,69% năm 2017. Cùng với đó, 38% người dân tộc thiểu số dịch chuyển lên nhóm có điều kiện kinh tế cao hơn (mức chung cả nước là 28%). 63 tỉnh, thành phố đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học. Về bình đẳng giới, tỷ lệ làm chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh trên 27,8%, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội nhiệm kỳ 2016 – 2021 đạt 26,71%. Việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, Việt Nam cũng đạt nhiều thành tựu, trong đó có bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do báo chí, tự do internet… Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam ngày càng phát triển phong phú với hơn 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo.
Việt Nam coi trọng các cam kết theo cơ chế UPR
Quy trình rà soát theo UPR là quy trình quan trọng để chứng tỏ sự tiến bộ của các nước qua các chu kỳ trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người. Giai đoạn thực hiện các khuyến nghị chính là giai đoạn quan trọng nhất trong quy trình rà soát, cho thấy chính phủ đó tích cực có các biện pháp để bảo vệ nhân quyền như thế nào.Tính riêng tại UPR chu kỳ 2, Việt Nam đã chấp thuận 182/227 khuyến nghị nhận được. Tính đến tháng 10/2018, Việt Nam đã thực hiện 175 khuyến nghị (chiếm 96,2%); trong đó, 159 khuyến nghị đã được thực hiện hoàn thành, 16 khuyến nghị đã được thực hiện một phần và đang tiếp tục thực hiện. 7 khuyến nghị còn lại đang được thực hiện hoặc xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp. Không có khuyến nghị nào đã được chấp thuận mà chưa được xem xét thực hiện. Để triển khai các khuyến nghị UPR, Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan. Các bộ, ngành cũng có nhiều sáng kiến để triển khai các khuyến nghị trong lĩnh vực mình phụ trách.
Bằng việc tăng cường các cơ chế quốc gia về báo cáo, thực hiện và giám sát, Việt Nam đã cho thấy có khuôn khổ luật pháp và thể chế phù hợp, hiệu quả để thực hiện toàn bộ các khuyến nghị từ tất cả các cơ chế quyền con người của Liên hợp quốc, qua đó thúc đẩy xây dựng hệ thống pháp luật về quyền con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân và tăng cường hợp tác, đối thoại ở cấp khu vực và quốc tế về vấn đề quyền con người. Việc chuẩn bị Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ 3, trình bày và đối thoại về Báo cáo trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong tháng 1-2019 sẽ là dịp để Việt Nam nhấn mạnh ưu tiên cao nhất của mình trong việc tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật, củng cố các nền tảng thể chế, pháp lý và chính sách liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.