Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) - Cụ thể hóa các quy định về quyền con người

Chia sẻ
(VOV5) - Sáng nay 19/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Luật Thi hành án hình sự năm 2010 được Quốc hội (khóa XII) thông qua ngày 17/6/2010 tại Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Qua hơn 8 năm thi hành Luật đã bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật và thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước trong giáo dục, cải tạo người phạm tội. Qua thảo luận, đa số đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự năm 2010 được đặt ra rất cần thiết, nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 trong Luật Thi hành án hình sự.

 Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) - Cụ thể hóa các quy định về quyền con người - ảnh 1Một phiên thảo luận tại Hội trường của Quốc hội (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội) 

Nêu ý kiến về chế độ lao động của phạm nhân, các đại biểu cho rằng việc này sẽ tạo điều kiện cải tạo phạm nhân thành người có ích cho xã hội. Ông Nguyễn Hữu Chính, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, cho rằng: Việc tham gia lao động của phạm nhân phù hợp với quy định tại điều 2 Công ước số 29 về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) "Tại khoản 5 điều 32 của dự thảo luật quy định trại giam có thể phối hợp cùng cá nhân, doanh nghiệp giúp phạm nhân lao động, đây là điểm mới của dự thảo luật giúp huy động các nguồn lực xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho phạm nhân; tạo điều kiện cho phạm nhân có thể đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội. Mặt khác quy định này cũng tạo quyền tự do cho phạm nhân trong thời gian thi hành án. Điều này cũng phù hợp với quy định của Hiến pháp và Pháp luật về quyền con người. Tại khoản 5 điều 32 của dự thảo luật cũng đã quy định rất rõ về việc khi tổ chức lao động phải đảm bảo các chế độ chính sách cho phạm nhân theo quy định của pháp luật".

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện kỹ thuật lập pháp, nhất là việc rà soát các quy định để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu