Giữa vô vàn nỗi đau của chúng ta trong cuộc sống, có một cơn đau trầm lặng nhưng liên lỉ, ảnh hưởng sâu đậm đến tất cả những ai chạm đến nó. Không chỉ kẻ mang nỗi đau này mới là người vác thánh giá mà cả bố mẹ, anh em, bà con, và bạn bè cũng cùng sẻ chia trên đường khổ nạn. Nỗi đau đó, Nguyễn Thị Phương Hoa, một chuyên gia tâm lý và là một người mẹ, đã chia sẻ cùng bạn đọc trong tác phẩm, “Có Một Cơn Đau Mang Tên Trầm Cảm”.
|
Vốn quen thuộc với các loại sách tâm lý viết cho người đọc phổ thông, tôi khá ngạc nhiên nhưng thích thú với bố cục của tác phẩm mới nhất của tác giả PGS TS hiện đang làm trong một cơ quan nhà nước này. Với vai trò chuyên môn, tác giả có thể cho chúng ta những trích giảng và dẫn giải khoa học và học thuật. Với vai trò một nhà lý luận, tác giả cũng có thể cho chúng ta những phân tích và đánh giá hàn lâm. Nhưng trong “Có Một Cơn Đau Mang Tên Trầm Cảm” tác giả đã tự chọn một cách viết khác, giữ cho mình không rơi vào lối mòn của nghề nghiệp, để đến với độc giả tác phẩm của mình một cách thật nhẹ nhàng và đơn giản nhưng không kém tính thuyết phục.
|
Tác phẩm chia làm ba phần: Khi mây đen kéo tới, Bình an đi qua cơn đau và Sau mây đen là nắng ấm. tổng cộng với 65 chương ngắn kể về trải nghiệm của tác giả với căn bệnh trầm cảm của con trai. Những bài học rút từ những kinh nghiệm cá nhân riêng tư của tác giả được củng cố bởi những thông tin có chứng cứ khoa học đã giúp người đọc hiểu được những phương cách cụ thể lẫn những nguyên lý khái quát khi đối mặt với những đám “mây đen” của người thân.
Xuyên suốt tác phẩm, điều tồn đọng đối với người đọc không chỉ là những lời đề nghị chân thành của một chuyên gia mà còn là tình thương yêu và sự kiên nhẫn của một người mẹ, một người mẹ đi tìm sự sáng suốt và định tĩnh thông qua việc chuyển hóa chính mình để cùng chia sẻ khổ nạn cho con, để cả hai cùng đồng hành đến bến bờ bình yên nắng ấm.
Những kết luận từ những chuyện đời giữa mẹ và con, mà tác giả khiêm tốn gọi là “ghi chú”, vốn mang tính triết lý nhưng ít ai để ý nó cũng hàm chứa một nội dung khoa học hay lâm sàng rút ra từ ngành tham vấn và điều trị tâm lý. Bạn có thể mở bất cứ ghi chú nào trong cuốn sách để nhận được bài học cho chính mình và những người thân của mình trong vòng trầm cảm, chẳng hạn, “Chúng ta sẽ học nhiều điều trong cuộc sống này trong suốt những tháng năm mình sống. Không vội vã, quan trọng là hiểu, chấp nhận bản thân mình, và cảm giác bình an chính là hạnh phúc”.
Trong hai câu ghi chú đơn giản đó, tôi nhận ra bóng dáng của Liệu pháp Nhận thức [Cognitive Therapy], Chấp nhận và Cam kết [Acceptance and Commitment Therapy] và cả một chút kỹ thuật của Thân Nghiệm [Somatic Experiencing]. Hay chẳng hạn đơn giản hơn, “Trong quá trình chiến đấu với tâm bệnh đòi hỏi đánh giá khách quan và có cái nhìn đầy đủ nhất về tiến triển của bệnh. Do đó hãy tìm cách ghi chép lại diễn tiến của bệnh...”, thông thường cảm xúc chúng ta dễ dàng trở thành con tin trước những biến động tâm bệnh của con cái hay người thân; tâm trạng chúng ta bị dập vùi trong những đợt sóng vui buồn thương giận, mà mỗi ngày biển im sóng lặng lại chẳng thấy bình yên mà nơm nớp chờ đợi đợt bão tố sắp đến. Nhật ký hải trình như tác giả đề nghị sẽ giúp chúng ta bình tâm nhận ra hướng đi của gió bão bên cạnh những vùng biển lặng, không chỉ để giúp con vượt qua những ngày khổ nạn mà còn để bên nhau mẹ và con tận hưởng bình yên của giây phút hiện tại này.
|
Tôi hân hạnh được tác giả chia sẻ một số câu chuyện của con trai và chính mình trong năm qua. Trải nghiệm của tác giả một lần nữa củng cố thêm điều tôi luôn thâm tín, chỉ có sự bình yên trong tâm hồn cha mẹ mới đưa con được đến bến bờ bình yên. Và qua cuốn sách này, tri thức có thêm một chức năng mới. Tri thức không chỉ đem đến sức mạnh mà còn đem đến sự bình yên. Mong cuốn sách này sẽ mang đến sự bình yên cho người đọc.
TS Lê Nguyên Phương
Tác giả bộ sách Dạy con trong “hoang mang”
Giải sách hay 2018, hạng mục Sách Giáo dục, thể loại Sách viết