Nghe âm thanh bài viết tại đây:
khai mạc Liên hoan phim Tài liệu Châu Âu - Việt Nam lần thứ 10. - Ảnh: baovanhoa.vn |
10 tác phẩm tài liệu Việt Nam tham gia Liên hoan phim gồm: Hãy nhớ, bạn đang sống; Chí sỹ yêu nước- Phan Châu Trinh; Chuyện Bản Ngòi; Nghìn năm sơn ta, trăm năm sơn mài; Sông Gianh thương nhớ; Ông Hai lúa; Một giải pháp chống xói lở bờ biển; Lão gàn Hồ Mơ; Trầm cảm sau sinh; Đàn bầu kể chuyện. Trong số này, ngoài phim Hãy nhớ bạn đang sống của Đài Truyền hình Việt Nam, 9 tác phẩm còn lại do Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương sản xuất.
Hãy nhớ: Bạn đang sống, phim Việt Nam của tác giả Đoàn Hồng Lê, VTV8 là tác phẩm được chiếu trong ngày đầu tiên của Liên hoan phim năm nay. Tác phẩm có thời lượng 27 phút này cũng đã được Giải Cánh diều vàng, Giải Đạo diễn xuất sắc tại Cánh Diều 2018 của Hội Điện ảnh Việt Nam. Bộ phim kể về cuộc đời một cô gái nông thôn vô danh nhưng đã có cách lựa chọn thái độ đúng đắn đối diện với bi kịch của cuộc đời mình: bệnh ung thư. Đây là một câu chuyện về tình yêu, cuộc sống và cái chết nhưng thấm đẫm giá trị nhân văn.
Poster bộ phim Chí sĩ yêu nước- Phan Châu Trinh. - Ảnh: baovanhoa.vn |
Ông Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, cho biết: “Phim tài liệu Việt Nam đã thay đổi. Sự thay đổi đang dần dần ở một số tác giả, họ đang muốn thay đổi chính mình. Ví dụ như cách làm phim. Trước kia xem phim, chúng ta sử dụng nhiều lời bình, lời chủ quan của tác giả, bây giờ họ đã sử dụng lời của nhân vật để họ kết nối, xuyên suốt câu chuyện. Đây là cách tiếp cận mới. Không phải phim nào cũng phù hợp nhưng có những phim đã có hiệu quả nhất định và khán giả dễ tiếp nhận hơn.”
Ở mỗi tác phẩm tham dự Liên hoan phim, các nhà làm phim Việt Nam đều nỗ lực khai thác ngôn ngữ giàu chất liệu của điện ảnh tài liệu nhằm phản chiếu chân thực cuộc sống và số phận con người trên hành trình giao lưu với các nền điện ảnh tài liệu phát triển của Châu Âu.
Đó là bộ phim kể về cuộc đời, tư tưởng hoạt động của nhà yêu nước Phan Châu Trinh trong phong trào Duy Tân ở Việt Nam thập niên đầu tiên của thế kỷ 20- phim “Chí sỹ yêu nước- Phan Châu Trinh”; là câu chuyện trong Ông Hai Lúa, kể về một nông dân miền Tây Nam Bộ được người dân tôn xưng là “Ông Vua lúa của đồng bằng sông Cửu Long”; Lão gàn Hồ Mơ kể về ông Hồ Mơ, người cựu chiến binh dân tộc BaKo mang họ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn phần đời của mình để sống với rừng và bảo vệ rừng; Nghìn năm sơn ta, trăm năm sơn mài kể câu chuyện về chất liệu sơn ta truyền thống và đóng góp của sơn ta trong sáng tác tranh sơn mài Việt Nam; hay câu chuyện về sự ra đời và đời sống của cây đàn bầu, nhạc cụ đặc sắc thể hiện tâm hồn, tình cảm của người Việt trong Đàn bầu kể chuyện; Bông Sen Vàng, Giải đạo diễn xuất sắc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20, bộ phim Một giải pháp chống xói lở bờ biển nêu những giải pháp trong việc tái tạo vành đai rừng ngập mặn tại Việt Nam, chống lại thách thức rừng ngập mặn ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long bị thu hẹp, vùng biển bị xói lở nghiêm trọng.
Đạo diễn trẻ Phùng Ngọc Tú, đạo diễn của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, đạo diễn phim “Một giải pháp chống xói lở bờ biển”, chia sẻ: “Trong câu chuyện này, tôi muốn đưa lên tất cả những gì đẹp nhất của Việt Nam, của một vùng miền hiện tại đối diện với một mất mát rất lớn do thiên tai, khí hậu và một phần do con người đang làm hỏng môi trường mà ta đang sống. Câu chuyện giản dị thôi, tất cả những gì liên quan đến đời sống của người dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tôi cố gắng đưa vào phim với vẻ đẹp giản dị nhất. Với đạo diễn trẻ như tôi, được tham gia Liên hoan phim được giao lưu, học hỏi với các nền điện ảnh phát triển trên thế giới là một sự tiếp cận rất tốt.”
Theo ông Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, các đạo diễn trẻ của Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương cũng đã học hỏi được rất nhiều từ các tác phẩm phim tài liệu lớn của Châu Âu. “Khi tiếp xúc với các phim tài liệu của các nước bạn, chúng tôi cũng tự thay đổi mình. Thay đổi cách tiếp cận. cách kể câu chuyện. Cái đó tạo ra sức hấp dẫn riêng. Các phim tài liệu Việt Nam tham gia Liên hoan phim tài liệu châu Âu-Việt Nam lần thứ 10 là những phim có chất lượng. Có những phim có cách kể hoàn toàn mới. Ví dụ như bộ phim “Hãy nhớ: Bạn đang sống” hoặc phim “Nghìn năm sơn ta trăm năm sơn mài”.
Cũng trong khuôn khổ Liên hoan phim, 04 phim đăng ký trình chiếu và của các tác giả độc lập Việt Nam được chiếu riêng vào ngày 9/6/2019, bao gồm: Mệ A, Những mảnh đời đá bạc (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội), Mùa hè! Nghiêm! (TPD), Nghề đậu phụ (tác giả độc lập, Hương Na).
Liên hoan Phim Tài liệu Châu Âu – Việt Nam lần thứ 10 góp phần khẳng định vị trí của phim tài liệu, một loại hình điện ảnh riêng với ngôn ngữ, kỹ thuật và những đạo diễn riêng biệt. Liên hoan phim đã trở thành một điểm hẹn quen thuộc hàng năm đối với công chúng Việt Nam và quốc tế yêu thích phim tài liệu. Thông qua các bộ phim được trình chiếu trong Liên hoan phim lần này, khán giả có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, con người, xã hội của Việt Nam cũng như của nhiều nước khác.