Cải thiện sức khỏe bà mẹ, sinh con an toàn trong cộng đồng dân tộc thiểu số

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Hi vọng trong 3 năm tới (từ 2021-2024), dự án sẽ đạt được hiệu quả cao hơn so với kỳ vọng, qua đó góp phần vào nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030.

Những phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai ở 60 xã dân tộc thiểu số thuộc vùng sâu, vùng xa của 6 tỉnh khó khăn nhất tới đây sẽ được hưởng lợi từ các can thiệp đổi mới sáng tạo, nhằm ngăn chặn tình trạng tử vong mẹ khi có thể phòng ngừa được.

Đây là mục tiêu quan trọng của một dự án mới mà Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) vừa triển khai. Dự án được coi là một bước tiến đánh dấu công tác hỗ trợ của UNFPA cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là những đối tượng ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tại Việt Nam, trong bối cảnh tình hình mới.

Cải thiện sức khỏe bà mẹ, sinh con an toàn trong cộng đồng dân tộc thiểu số - ảnh 1Dự án cuả UNFPA về cải thiện sức khỏe bà mẹ và sinh con an toàn trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Ảnh UNFPA

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Theo đánh giá của Quỹ dân số Liên hợp quốc, trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của người dân, và là một trong sáu quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5 về giảm tình trạng tử vong mẹ vào năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự chênh lệch và bất bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục giữa các dân tộc và vùng miền do sự thiếu hụt về năng lực y tế cũng như nguồn nhân lực có kỹ năng.
Số liệu nghiên cứu cho thấy mặc dù tỷ lệ tử vong mẹ ở cấp quốc gia dù đã giảm xuống còn 46 ca tử vong/ 100.000 trẻ đẻ sống nhưng tỷ lệ này vẫn bị cao (100-150 ca tử vong) ở các vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Phụ nữ thuộc nhóm dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương chiếm tỷ lệ cao, ví dụ phụ nữ dân tộc Mông chiếm 60%, dân tộc Thái 17%. Tỷ lệ tử vong mẹ ở phụ nữ Hmong cao gấp 7 lần so với phụ nữ người Kinh.
Cải thiện sức khỏe bà mẹ, sinh con an toàn trong cộng đồng dân tộc thiểu số - ảnh 2Bà Naomi Kitahara, trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam

Bà Naomi Kitahara trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, một vấn đề đáng lo hiện nay  là Việt Nam đang phải đối mặt với một thách lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em: “Kể từ năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã khiến sự bất bình đẳng vốn đã tồn tại càng trầm trọng thêm và gây ảnh hưởng đặc biệt đến các nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái nói chung, và bà mẹ mang thai vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Phân tích mô hình của UNFPA ước tính rằng dịch Covid-có thể làm tăng tỷ lệ tử vong mẹ từ 44 đến 65% trong năm 2020 tại Việt Nam. UNFPA rất quan ngại về vấn đề này vì nó sẽ đảo ngược những thành tựu phát triển mà Việt Nam đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục."

Cải thiện sức khỏe bà mẹ, sinh con an toàn trong cộng đồng dân tộc thiểu số - ảnh 3Cô đỡ thôn bản Sùng Thị Của thăm khám cho hai mẹ con sản phụ Hạng Thị Công ở bản Pu Nhi B, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Là cơ quan hàng đầu của Liên Hợp Quốc về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, UNFPA đang tiếp tục những nỗ lực trong hướng tới mục tiêu giúp Việt Nam trở thành quốc gia ngăn chặn được tình trạng tử vong mẹ khi có thể phòng ngừa được, không có nhu cầu kế hoạch hóa nào không đáp ứng được, không có bất cứ thực hành nào có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái:

 “Mang thai và sinh con là một phần tất yếu của cuộc sống, và không thể bị lãng quên ngay cả khi phải đối mặt với dịch bệnh. Chúng tôi nhấn mạnh rằng cần phải tiếp tục cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục thiết yếu cho phụ nữ mà không để bị gián đoạn, đảm bảo phát hiện và quản lý được các rủi ro và biến chứng thai sản không chậm trễ vì sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh. Không một người phụ nữ nào bị chết khi sinh con!” Bà Naomi Kitara cho biết, 

Vì lý do đó, một dự án có tổng kinh phí hơn 2 triệu đôla do Quỹ do UNFPA và quỹ MSD vì các bà mẹ (MSD For Mothers) đồng tài trợ, vừa chính thức được khởi động tại 60 địa phương ở 6 tỉnh thành ở Việt Nam gồm: Bắc Cạn, Lai Châu, Sơn La, Đắc Nông, Kon Tum và Gia Lai.

Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục toàn diện, có chất lượng và tự nguyện cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực quản lý cấp cứu sản khoa ở các khu vực miền núi; và xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Dự án cũng sẽ lồng ghép biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 vào chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục hiện có...

Cải thiện sức khỏe bà mẹ, sinh con an toàn trong cộng đồng dân tộc thiểu số - ảnh 4Cô đỡ thôn bản chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở xã vùng cao tỉnh Sơn La. Ảnh: Diệp Anh/TTXVN

Khẳng định sự đồng hành tích cực của Bộ Y tế với dự án, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em nhấn mạnh: Một thế mạnh trong khuôn khổ dự án là MSD tài trợ tài chính cùng với hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA- một trong những đối tác của Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm trong triển khai các can thiệp về giảm tử vong ở bà mẹ rất hiệu quả. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự hỗ trợ của MDS, UNFPA và sự tham gia tích cực của mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em ở 6 tỉnh miền núi sẽ đóng góp đáng kể vào mục tiêu chung của kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, ưu tiên giảm tử vong ở bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em ở Việt Nam.”

Trong bối cảnh chuyển đổi kỹ thuật số, các can thiệp đổi mới sáng tạo cũng bao gồm các biện pháp về chăm sóc sức khỏe  từ xa, trong đó có các ứng dụng điện thoại thông minh sử dụng internet để cải thiện việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục ở các vùng dân tộc thiểu số. Cùng với đó, dự án cũng sẽ thực hiện giáo dục sức khỏe theo hướng đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy việc sinh con an toàn trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Cải thiện sức khỏe bà mẹ, sinh con an toàn trong cộng đồng dân tộc thiểu số - ảnh 5Truyền thông cách chăm sóc bà mẹ và trẻ em cho người dân huyện Mường Chà. 
Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Bà Jennifer Cox, Tổng giám đốc của MSD tại Việt Nam bày tỏ tin tưởng rằng,dự án sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho phụ nữ Việt Nam: Chúng tôi tin rằng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ là con đường đảm bảo sức khỏe tốt trọn đời, vấn đề sống còn đối với an sinh và thịnh vượng của người phụ nữ và nhiều điều hơn thế. Người phụ nữ chính là nền tảng của một thế giới khỏe mạnh và thịnh vượng. MSD for Mothers là sáng kiến toàn cầu giúp tạo ra một thế giới nơi không có phụ nữ nào tử vong do sinh nở. Chúng tôi tự hào đồng hành cùng UNFPA trong chương trình này, với kỳ vọng đem đến những lợi ích thiết thực nhằm cải thiện sức khỏe cho các bà mẹ Việt Nam, cùng nhau phấn đấu cho một cộng đồng tốt đẹp hơn”.

Cải thiện sức khỏe bà mẹ, sinh con an toàn trong cộng đồng dân tộc thiểu số - ảnh 6Hi vọng dự án sẽ đạt được các mục tiêu cao hơn kỳ vọng. Ảnh minh họa

Đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam với mục tiêu “Để không bà mẹ nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển bền vững của đất nước" chương trình MSD vì các bà mẹ cùng với Bộ Y tế và UNFPA tại Việt Nam hi vọng, trong 3 năm tới (từ 2021-2024), dự án sẽ đạt được hiệu quả  cao hơn so với kỳ vọng, qua đó góp phần vào nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu