UNESCO công nhận thêm 2 Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng của Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa với tổng diện tích hơn 106 nghìn ha, là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á.

Chiều 15/9, tại kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB/ICC - International Coordinating Council of the Man and the Biosphere Programme) diễn ra từ ngày 13-17/9/2021 tại Abuja, Nigeria, hai khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng của Việt Nam đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

UNESCO công nhận thêm 2 Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng của Việt Nam - ảnh 1Hội đồng điều phối phê duyệt công nhận Vườn quốc gia Núi Chúa. Ảnh: PV/VOV - Pháp

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa với tổng diện tích hơn 106 nghìn ha, là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á, là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu và được lựa chọn là một trong những vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất của tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên Trái Đất.

UNESCO công nhận thêm 2 Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng của Việt Nam - ảnh 2Hội đồng điều phối phê duyệt công nhận cao nguyên Kon Hà Nừng. Ảnh: PV/VOV - Pháp

Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng, với tổng diện tích khoảng 413 nghìn ha, có tính đa dạng sinh học cao đặc trưng cho hệ sinh thái rừng, hệ thực vật rừng và hệ động vật rừng của khu vực Tây Nguyên. Khu dự trữ sinh quyển này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của khu vực Tây Nguyên và cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

Bên cạnh đó, hai khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng đều chứa đựng nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây.
UNESCO công nhận thêm 2 Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng của Việt Nam - ảnh 3Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân trả lời VOV.  Ảnh: PV/VOV - Pháp

Trả lời phỏng vấn báo chí về hai khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam là Núi Chúa và Kon Hà Nừng vừa được ghi danh vào mạng lưới khu dự trữ sinh quyển thế giới, bà Lê Thị Hồng Vân, Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), khẳng định đây là sự ghi nhận của quốc tế đối với sự phát triển đa dạng, độc đáo về giá trị tự nhiên, sinh học, động thực vật, giá trị văn hóa của cộng đồng ở 2 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam cũng như những nỗ lực của địa phương và người dân trong bảo tồn đa dạng sinh học bền vững: “Việc UNESCO ghi danh hai khu dự trữ sinh quyển của chúng ta không chỉ đơn thuần là danh hiệu mà thật sự mở ra nhiều cơ hội cho chúng ta trong học hỏi tiếp thu các kinh nghiệm, thúc đẩy sáng kiến trong bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái, thúc đẩy mô hình phát triển bền vững, đảm bảo sinh kế của người dân. Chúng tôi thấy điều này rất quan trọng khi thế giới đang bước vào Thập kỷ Liên hợp quốc về phục hồi hệ sinh thái 2021-2030 cũng như những nỗ lực của chúng ta trong nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội sau đại dịch Covid-19. Đồng thời chúng tôi cũng thấy rằng đây cũng là dịp để chúng ta thể hiện cam kết của Việt Nam đối với nỗ lực chung của quốc tế trong đảm bảo đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đóng góp vào nỗ lực phát triển bền vững chung toàn cầu”.

Như vậy, trong giai đoạn 2000-2020, Việt Nam đã được công nhận tổng cộng 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, trở thành quốc gia có số lượng Khu dự trữ sinh quyển đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu