Việt Nam đảm bảo quyền con người ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Nhà nước ưu tiên tạo điều kiện cho con em người dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.... thực hiện quyền và nghĩ vụ học tập của mình.

Kể từ năm 2019 đến nay, Việt Nam đã triển khai kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện 13 khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UPR). Các khuyến nghị này tập trung vào lĩnh vực chống sự phân biệt đối xử, đảm bảo các quyền cơ bản cho người dân tộc thiểu số như giáo dục, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, phát triển kinh tế xã hội.

Việt Nam đảm bảo quyền con người ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số - ảnh 1Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại thôn PínTủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: baodantoc.com.vn

Trong số 5 khuyến nghị về lĩnh vực giáo dục, bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục là mục tiêu cơ bản trong chính sách phát triển của Nhà nước. Pháp luật Việt Nam quy định nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Công dân có quyền sử dụng nguôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn giao tiếp, bình đẳng về cơ hội học tập.

Việt Nam đảm bảo quyền con người ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số - ảnh 2Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh đến thăm, tặng quà cho đồng bào dân tộc Chơ Ro tại H.Trảng Bom. Ảnh: Báo Đồng Nai

Nhà nước ưu tiên tạo điều kiện cho con em người dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.... thực hiện quyền và nghĩ vụ học tập của mình. Hiện nay, các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Việt Nam đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở. Đã có 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số là Mông, Chăm, Khmer, Gia Rai, Ba Na, Ê đê được dạy cho gần 185 nghìn học sinh phổ thông của 21 tỉnh thành trong cả nước. Còn có 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số khác là Hoa, Thái, Cơ Tu, Tài Ôi, Kako, Mnong đang được dạy thực nghiệm tại nhiều tỉnh thành trong cả nước với hàng trăm lớp và hàng chục nghìn học sinh. Việc dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ công chức, viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số cũng được các địa phương đẩy mạnh.

Hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú được thành lập ở 28 tỉnh thành với quy mô hơn 185 nghìn học sinh. Hiện đã có 51/53 dân tộc thiểu số có học sinh, sinh viên được ưu tiên đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Các chính sách hỗ trợ đào tạo, dạy nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số được khoảng trên 1,1 triệu người, chiếm hơn 14% trên tổng số gần 8 triệu người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động.

Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chương trình, chính sách, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình 135, chương trình 30A.... Qua các chương trình, dự án đầu tư của Chính phủ, mạng lưới trường, lớp học thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển nhanh, hầu như các xã đều có trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, nhiều trung tâm cụm xã có trường trung học phổ thông.

Việt Nam cũng quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số, như các khuyến nghị của cơ chế UPR. Theo đó, địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi được cấp có thẩm quyền công nhận 4 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử văn hóa. Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng 559 nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú là người dân tộc thiểu số. Công tác bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của nhiều dân tộc thiểu số ngày càng được chú trọng. Hằng năm, Việt Nam đã tổ chức được nhiều ngày hội văn hóa, thể thao của các dân tộc đặc trưng cho từng vùng miền. Đến nay, 95% số xã vùng dân tộc thiểu số được phủ sóng phát thanh truyền hình. 16 nghìn điểm bưu điện văn hóa xã đã được xây dựng, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc đa dạng của người dân. Các chương trình phát thanh truyền hình bằng tiếng dân tộc được chú trọng hơn, tăng cả về số lượng ngôn ngữ và thời lượng phát sóng. Đã có gần 100 tờ báo viết, 200 trang thông tin điện tử cùng với hàng triệu tờ báo/tạp chí của 18 ấn phẩm báo chí cấp không thu tiền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao mức thụ hưởng văn hóa của người dân.

Mạng lưới y tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Việt Nam khá phát triển nền đồng bào các dân tộc ngày càng có cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, đồng bào nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí và chính sách bảo hiểm y tế được thực hiện đúng quy định. Thành tựu về giảm suy dinh dưỡng trẻ em nhanh, bền vững và giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em của Việt Nam, trong đó có trẻ em vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi, đã đảm bảo tiến độ thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 cũng đưa ra mục tiêu và tập trung đầu tư phát triển chăm sóc sức khỏe, phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi một cách toàn diện trong  giai đoạn tới.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 tiếp tục nhiệm vụ duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các dân tộc thiểu số rất ít người, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách bền vững nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển giữa đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người với các đồng bào dân tộc thiểu số khác trong vùng, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng miền khó khăn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu