Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng cho người dân tỉnh Gia Lai

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Hiện nay, tỉnh Gia Lai có khoảng 1,6 triệu người, số người có đạo khoảng 25% dân số. 

Tỉnh Gia Lai luôn nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo cho đồng bào các dân tộc. Các tổ chức tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, bà con giáo dân đoàn kết, sống tốt đời đẹp đạo.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Hiện nay, tỉnh Gia Lai có khoảng 1,6 triệu người, số người có đạo khoảng 25% dân số. Tỉnh có 5 tôn giáo, gồm phật giáo, công giáo, tin lành, cao đài và Bahai. Trong đó, tin lành có số lượng tín đồ đông nhất và tín đồ theo đạo tin lành chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai chấp thuận cho phép đạo Tin lành thành lập 73 tổ chức tôn giáo trực thuộc, tức là các chi hội và hội thánh.
Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng cho người dân tỉnh Gia Lai - ảnh 1Giáo dân làng Plei Mơ Nú sinh hoạt tôn giáo tại nhà thờ Plei Mơ Nú.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, nhấn mạnh: "Về chính sách tôn giáo chúng tôi thực hiện theo Luật Tôn giáo tín ngưỡng và người dân có quyền tự do tôn giáo. Tỉnh luôn hỗ trợ người dân được tham gia sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định pháp luật. Chúng tôi hỗ trợ xây dựng tu bổ cơ sở tôn giáo, tạo điều kiện cho người dân được sinh hoạt tôn giáo ở nơi gần nhất trong khu dân cư mà người dân sinh sống, hạn chế họ phải đi lại xa. Chúng tôi luôn chú trọng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân."

Ðể làm tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, tỉnh Gia Lai đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là  Luật tín ngưỡng tôn giáo tại các nơi có đông tín đồ sinh sống. Bên cạnh đó, Ban tôn giáo tỉnh Gia Lai giải quyết kịp thời nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đồng bào.

 Ông Nguyễn Văn Nô, Phó Ban tôn giáo tỉnh Gia Lai, cho biết: "Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Gia Lai có 279 điểm được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung theo Luật tín ngưỡng tôn giáo và chỉ còn 41 điểm chưa đăng ký. Sở dĩ những điểm này chưa được đăng ký là do tín đồ của các trường phái này quá ít, họ sinh hoạt tôn giáo tại gia và một phần nữa là họ chưa có nhu cầu để đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Song song với việc cho tổ chức thành lập điểm tôn giáo trực thuộc cũng như là đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung theo Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, tỉnh cũng quan tâm giao đất, cấp phép xây dựng các công trình tôn giáo phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt của bà con tín đồ. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, ứng xử bình đẳng, chăm lo nhu cầu sinh hoạt các tôn giáo đều như nhau".

Hàng năm, các điểm nhóm tôn giáo đăng ký chương trình sinh hoạt tôn giáo với chính quyền địa phương. Các hoạt động tôn giáo trong dịp Tết, Noel, lễ thánh, lễ hội tôn giáo… đúng tôn chỉ, mục đích, theo nội dung đã đăng ký sinh hoạt, đúng thời gian, địa điểm. Chức sắc, chức việc tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng cho người dân tỉnh Gia Lai - ảnh 2Một buổi thông tin công khai với báo chí về tình hình nhân quyền của công an tỉnh Gia Lai.

 Ông Blik, mục sư nhà thờ Plei Mơ Nú, làng Plei Mơ Nú, xã Chư Á, cho biết: "Ở đây, từ già tới trẻ sinh hoạt tôn giáo tốt, không có vấn đề gì. Xã tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo thoải mái, bà con rất mừng vì được sinh hoạt tự do tôn giáo. Hội thánh Plei Mơ Nú quan tâm tạo điều kiện, giúp bà con giấy tờ, làm nhà thờ. Tuyên truyền nói cho bà con biết Đề ga lấy danh nghĩa Tin lành  mang màu sắc chính trị cho nên tín đồ Tin lành không tham gia. Tin lành yêu thương nhân loại. Tà đạo Đề Ga làm điều phản loạn, không yêu thương người. Sống phải theo lời Chúa dạy, yêu thương con người, không làm điều ác, điều xấu".

Các tín đồ chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước, kính Chúa, yêu nước. Với họ sinh hoạt tôn giáo không chỉ là thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh mà còn nâng cao đời sống tinh thần. Chị Rina, dân tộc Jrai, làng Plei Mơ Nú, xã Chư Á, kể: "Trong làng hầu hết đi theo đạo Tin Lành, giáo dân mỗi tuần đi lễ 2 lần vào thứ Tư, Chủ nhật. Đi lễ cảm thấy cuộc sống tốt đẹp, lòng mình thanh thản. Mình ghi nhớ lời Chúa dạy nhắc nhở mình phải hạn chế điều xấu, làm việc tốt. Đi lễ cầu nguyện cho nhau, xưng tội cho nhau, cảm ơn chúa, cuộc sống cải thiện hơn".

Chính quyền tỉnh Gia Lai thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với mục sư, trưởng các nhóm đạo, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng giáo dân để giải quyết thấu đáo cũng như kịp thời ngăn chặn các hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo để xuyên tạc, chống phá Nhà nước. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự tại địa phương cơ bản ổn định. Điển hình như ở xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa, trước đây là nơi tình trạng tôn giáo diễn biến phức tạp, xảy ra hiện tượng tuyên truyền đạo trái pháp luật thì nay hoạt động tín ngưỡng đã đi vào nề nếp.

Ông Y Hiếu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hà Bầu, cho biết: "Xã thường xuyên nắm bắt nguyện vọng của bà con. Xã phối hợp với các ngành, tạo điều kiện cho bà con có nhu cầu thành lập hội Tin lành, hướng dẫn cách đăng ký sinh hoạt, thủ tục xây dựng các nhà nguyện. Các tôn giáo nhà nước cho phép hoạt động, xã tạo điều kiện cho các điểm nhóm đăng ký sinh hoạt bình thường, theo nguyện vọng của họ, theo đúng pháp luật quy định".

Sự quan tâm của chính quyền tỉnh Gia Lai tới công tác bảo đảm tự do tín ngưỡng giúp các tín đồ, chức sắc các tôn giáo yên tâm hành đạo. Đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai dù theo tôn giáo nào cũng hăng hái thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần ổn định an ninh, an toàn xã hội, phát triển kinh tế ở địa phương.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu