Những người lầm lỗi từng theo tổ chức phản động Fulro sau khi cải tạo lao động trở về địa phương luôn được chính quyền tỉnh Gia Lai quan tâm, tạo điều kiện ổn định cuộc sống. Hầu hết những người này sau khi tái hòa nhập cộng đồng đều chấp hành tốt các chính sách và pháp luật của Nhà nước, xây dựng cuộc sống mới ấm no, yên bình.
Đầu những năm 2000, tỉnh Gia Lai thí điểm mô hình quản lý, giáo dục đối tượng Fulro tại cộng đồng, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia. Thành phần chủ yếu gồm có già làng, trưởng bản, người có uy tín ở cơ sở, chức sắc tôn giáo, cán bộ trong hệ thống chính trị. Nhờ vậy, công tác giáo dục cảm hóa chuyển biến tích cực, an ninh chính trị, trật tự xã hội cơ bản ổn định. Từ khoảng 5000 người đưa vào quản lý năm 2005, tới nay chỉ còn hơn 1000 người, trong đó có hơn 70% người ít nhất 1 năm được phân loại tốt. Tháng 12/2015 và tháng 4/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành lần lượt ban hành Chỉ thị 153 và Quyết định 44 về tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng Fulro tại cộng đồng. Công an tỉnh Gia Lai đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả khi thực hiện Chỉ thị và Quyết định này.
Chiến sĩ công an tới thăm nhà anh Rơ Chơm Brông, người từng theo Fulro. Ảnh Ngọc Anh |
Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc công an tỉnh Gia Lai, cho biết: “Chúng tôi sử dụng ngay những người đã xuất cảnh hiện nay đang định cư ở Mỹ nói thực tế cuộc sống bên đó như nào, thực sự có phải không làm mà cũng có ăn không. Đây là những con người thực tế nói là chính xác nhất sự thật. Các đối tượng tham gia bạo loạn, chống phá đã bị pháp luật xử lý họ sau khi cải tạo xong trở về chính họ là người trực tiếp nói. Chúng tôi chỉ đề nghị họ nói thực về cuộc đời của họ thôi. Chúng tôi sử dụng điện thoại cho các đối tượng cầm đầu bên Mỹ nói chuyện với bà con Gia Lai, sử dụng face times, zalo, facebook… nói chuyện. Chúng tôi cho đối thoại hai chiều thoải mái. Điều này đã làm giảm tác động từ bên ngoài vào trong địa bàn.”
5 năm qua, tỉnh Gia Lai mở 330 lớp cảm hóa, giáo dục thông cho những người lầm đường lạc lối. Qua đó, giúp họ không tái phạm, hiểu rõ bản chất thâm độc gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của Fulro, từ đó yên tâm sinh sống, làm ăn.
Ông Ksor Hir, dân tộc Jrai, người dân xã Hà Bầu, bày tỏ: “Trước đây tôi đã lầm lỗi vượt biên sang Mỹ. Bây giờ tôi về địa phương được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện làm ăn, sinh sống. Tôi biết ơn, cảm ơn Đảng, Nhà nước.”
Một buổi tọa đàm về phát triển kinh tế - xã hội ở xã Hà Bầu. |
Đến nay, tỉnh Gia Lai đã có gần 1.500 hộ gia đình có đối tượng thuộc diện quản lý, giáo dục tại cộng đồng được hưởng các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều trường hợp được chính quyền địa phương vận dụng linh hoạt các chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước để tạo điều kiện cho họ hưởng thêm các chính sách hỗ trợ khác. Xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa, là địa phương có nhiều người từng tham gia Fulro và cũng là địa phương đi đầu trong công tác giúp đỡ những người lầm lỡ hoàn lương.
Ông Y Hiếu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hà Bầu, cho biết: “Thời gian qua xã rất quan tâm đến bà con lầm đường lạc lối trước đây. Xã thường xuyên phối hợp với mặt trận, đoàn thể xuống gặp gỡ để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của những người trước đây lầm đường lạc lối. Chính quyền địa phương hỗ trợ nhiều, vận động tham gia lớp tập huấn khoa học kỹ thuật để áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Thời gian qua, xã hỗ trợ về cây giống, con giống như bò, heo, hỗ trợ các đối tượng khó khăn. Đến nay, cơ bản các hộ yên tâm tư tưởng phát triển kinh tế gia đình, kinh tế gia đình cơ bản ổn định.”
Huyện Đăk Đoa đã tìm việc và hỗ trợ cho 12 người có công ăn việc làm ổn định. Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đăk Đoa đứng ra bảo lãnh, tạo điều kiện cho 25 gia đình người chấp hành án tù xong được vay tổng số 450 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh. Công an huyện Đăk Đoa thành lập mô hình Câu lạc bộ “Bạn giúp bạn” ở xã Ia Băng. Công an huyện Đăk Đoa lập trang Facebook đăng tải các thông tin việc làm cho những người chấp hành án trở về quê. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, đời sống những người lầm lỡ được cải thiện rõ rệt.
Ông Pui Nam, dân tộc Jrai, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, bộc bạch: “Tôi vượt biên trái phép, bị bắt đi trại 1 năm 9 tháng được cho về. Huyện tạo điều kiện cho mình thoải mái làm ăn buôn bán. Tôi làm nghề bầu sô tổ chức ca nhạc phục vụ đám cưới từ năm 2007. Ban nhạc có 6 người. Tùy theo phục vụ tiệc trưa 3,5 triệu tiệc tối 5,5 triệu cả tối cả trưa. Nhà có 4 con. Nhà nước tạo điều kiện cho cháu khuyết tật con tôi được hưởng chế độ cho trẻ khuyết tật.”
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xuất hiện những tấm gương trong phát triển kinh tế gia đình là người từng lầm lỡ. Điển hình như ông Cao Văn Quyền (xã ADơk, huyện Đăk Đoa), kinh doanh, nhân giống hoa phong lan, hàng tháng thu nhập 100 triệu đồng; ông Nguyễn Đình Thuần mở tiệm lạc xoong ở xã Kdang, huyện Đăk Đoa, mỗi tháng thu nhập 50 triệu đồng.
Giúp đỡ, tạo cơ hội cho những người lầm lỗi làm lại cuộc đời là chính sách nhân đạo, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị mà còn là sự góp sức đồng lòng của cộng đồng, góp phần đảm bảo an ninh, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tỉnh Gia Lai thời gian qua đã cụ thể hóa chính sách này bằng những mô hình, cách làm thiết thực, hiệu quả.