Tỉnh Gia Lai - Điểm sáng về cấp căn cước công dân mẫu mới ở Tây Nguyên

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Tỉnh Gia Lai có hơn 1 triệu người thuộc diện cấp căn cước công dân mẫu mới. 

Công an tỉnh Gia Lai đã và đang khẩn trương triển khai làm căn cước công dân mẫu mới có gắn chip điện tử, tiến độ cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Trong 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng), tỉnh Gia Lai hiện xếp thứ hai sau tỉnh Đắk Lắk về tiến độ cấp căn cước công dân.

Tỉnh Gia Lai - Điểm sáng về cấp căn cước công dân mẫu mới ở Tây Nguyên - ảnh 1Công an tuyên truyền đội mũ bảo hiểm cho người dân.

Tỉnh Gia Lai bắt đầu triển khai cấp thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử cho người dân từ ngày 1/1/2021. Để đảm bảo việc vận hành máy móc theo tiêu chuẩn, quy định của Bộ Công an, trước đó, cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh Gia Lai trực tiếp làm nhiệm vụ này đã được tập huấn.
Người dân đến làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử chỉ cần mang theo sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và giấy khai sinh (nếu có). Thời gian đầu, công an tỉnh Gia Lai triển khai cấp căn cước công dân cho đối tượng ưu tiên là những trường hợp chưa từng được cấp chứng minh nhân dân, căn cước công dân mã vạch; có chứng minh nhân dân, căn cước công dân mã vạch nhưng bị rách nát không sử dụng được, bị mất, có sự thay đổi hoặc hết hạn sử dụng.

Tỉnh Gia Lai - Điểm sáng về cấp căn cước công dân mẫu mới ở Tây Nguyên - ảnh 2Quang cảnh làm căn cước công dân.Ảnh Ngọc Anh

Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Gia Lai thành lập các tổ để cấp căn cước công dân. Đến giữa tháng 4/2021, đã có 18 đơn vị đầu mối thuộc công an tỉnh Gia Lai hoàn thành thủ tục cấp căn cước công dân cho gần 500 nghìn trường hợp (trung bình 10 nghìn căn cước công dân/ngày).

Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc công an tỉnh Gia Lai, cho biết: “Chúng tôi chia ca ra làm xuyên ngày đêm. Đơn vị nào làm nhanh nhất 12h đêm còn thường thì 1 hoặc 2h sáng mới làm xong. Chúng tôi có cách làm sáng tạo ví dụ người ra mồ hôi tay thì sử dụng cồn lau rồi dùng máy sấy tóc sấy khô thì lăn được tay ngay, hai là nhúng vào trong thùng nước đá rồi dùng khăn khô lau để lấy vân tay. Công nhân dính dầu mỡ trên tay thì bố trí vào khu vực có xà phòng rửa tay sạch sẽ. Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thì chúng tôi trực tiếp đưa người, máy móc, phương tiện xuống làm tại chỗ. Đối với những người già, tàn tật, neo đơn không có khả năng đến nơi làm thì chúng tôi đến tận nhà họ để làm căn cước công dân. Bình quân 1 ngày tỉnh Gia Lai vượt chỉ tiêu từ 130 - 160%.”

Tỉnh Gia Lai - Điểm sáng về cấp căn cước công dân mẫu mới ở Tây Nguyên - ảnh 3Công an lấy vân tay của người dân để làm căn cước công dân. Ảnh Ngọc Anh

Ngoài các điểm cấp căn cước công dân cố định tại các huyện, thị xã, thành phố, lực lượng chuyên trách còn tổ chức các điểm lưu động tại các điểm thôn, buôn, bản làng vừa tạo thuận lợi cho người dân, vừa đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Ông Ksor Wung, người dân làng Đúp, xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa, kể: “Công an quan tâm đến dân thông báo thời gian, địa điểm trước khi làm thẻ căn cước. Công an xã làm thẻ căn cước công dân 24/24h. Công an, cán bộ nhà nước tạo điều kiện làm thẻ căn cước công dân, giúp đỡ chu đáo.”

Huyện Đak Đoa là một trong những địa phương đi đầu trong quá trình cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử ở tỉnh Gia Lai. Nếu tính trung bình, mỗi ngày, hai máy cấp căn cước công dân ở các địa bàn của tỉnh Gia Lai có thể hoàn tất 1.000 hồ sơ thì ở huyện Đak Đoa, có ngày cao điểm cấp cho 1.400 hồ sơ.

Ông Đinh Ơng, Trưởng Ban dân vận, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Đăk Đoa, nhấn mạnh: “Đầu tiên là làm tốt công tác chuẩn bị, tuyên truyền, vận động người dân làm Địa phương có sáng kiến làm luân phiên cho người dân. Ví dụ hôm nay làm tại một địa điểm, một làng, sau đó mở rộng ra các làng khác thì sẽ nhanh hơn. Thời gian gấp rút, hiện nay địa phương triển khai trên 80% số người dân đến làm căn cước công dân.”

Những trường hợp thông tin sai lệch, thiếu sót được cán bộ công an tỉnh Gia Lai giải đáp, hướng dẫn bổ sung, chỉnh sửa kịp thời. Một số điểm cấp căn cước công dân còn lắp đặt Wifi để người dân truy cập Internet; lồng ghép tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19, luật an toàn giao thông; tổ chức chương trình văn nghệ, chiếu phim giải trí để người dân không cảm thấy nhàm chán, mệt mỏi trong lúc chờ đợi làm thủ tục.

Ông Y Hiếu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa, cho biết: “Lúc đầu làm căn cước công dân gặp nhiều khó khăn tuy nhiên với sự cố gắng và phối hợp của các ban ngành đoàn thể, công an đã tuyên truyền cho bà con và bà con hưởng ứng làm nhiệt tình. Xã bắc rạp làm thủ tục đăng ký khai sinh, bàn hướng dẫn thủ tục điều tra thông tin, kiểm tra giấy tờ tùy thân, lăn tay… Người già ưu tiên làm trước. Một ngày thực hiện được từ 700 đến 800 căn cước công dân.”

Sắp tới, các đơn vị làm căn cước công dân ở tỉnh Gia Lai sẽ nâng công suất, tăng cường các tổ lưu động đến các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Tỉnh Gia Lai có hơn 1 triệu người thuộc diện cấp căn cước công dân mẫu mới. Theo kế hoạch, đến hết tháng 6/2021, tỉnh Gia Lai sẽ hoàn thành việc cấp thẻ căn cước công dân, góp phần cùng cả nước hoàn thành mục tiêu cấp khoảng 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trước ngày 1/7/2021.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu