Nơi gieo cơ hội nghề nghiệp cho thanh niên vùng cao

Nho Trung
Chia sẻ
(VOV5) - Điều chị Mai Lan mong muốn mang đến cho những thanh niên vùng núi không chỉ là 1 công việc ổn định mà còn là suy nghĩ chín chắn hơn, hiểu biết nhiều hơn.

Tiệm tóc Mai Lan Hair Salon, ở phố Lạc Long Quân, Hà Nội, là một cửa hàng đặc biệt. Đây không chỉ là nơi mang lại cho mọi người những mái tóc đẹp, mà còn là địa chỉ đào tạo miễn phí nghề làm tóc cho nhiều thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa ở một số địa phương, như: Điện Biên, Lai Châu… Hoạt động này được chị Trần Thị Lan, chủ tiệm tóc, duy trì từ năm 2021 đến nay, với mong muốn mang lại sự thay đổi về nhận thức, cũng như giúp các bạn trẻ vùng cao có công việc ổn định, đảm bảo cuộc sống cho bản thân và hỗ trợ kinh tế cho gia đình.

Nơi gieo cơ hội nghề nghiệp cho thanh niên vùng cao - ảnh 1Chị Mai Lan (áo trắng) cùng chuyên gia về tóc hướng dẫn cho các học viên học nghề tại Salon Mai Lan - Ảnh: VOV
Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
 

Em Thào Thị Di, ở huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, là một trong số những học viên đang theo học nghề tóc tại Mai Lan Hair Salon. Gia đình Di có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ không có khả năng kinh tế nên em phải nghỉ học sớm để đi làm nương rẫy. Cuộc sống của Di sẽ giống với nhiều bạn bè cùng trang lứa trong bản, lấy chồng sớm và sinh con sớm, nếu như không được kết nối với Mai Lan Hair Salon.

Thào Thị Di chia sẻ: "Nhìn thấy các bạn trẻ lấy chồng sớm, sinh con sớm, nên con cái cũng khổ theo. Em thấy như vậy nên muốn cuộc sống của mình phải tốt hơn. Khi xuống đây, em được cô Lan lo cho hết. Cô đã giúp đỡ em rất nhiều, cho em công việc, hỗ trợ chuyện ăn ở".

Không chỉ riêng Thào Thị Di, 8 bạn trẻ là người dân tộc thiểu số khác khi đến với Mai Lan Hair Salon đều được chị Trần Thị Lan (hay còn gọi là Mai Lan), chủ tiệm tóc, miễn phí tiền học nghề làm tóc, tiền trọ và một phần tiền ăn hằng ngày. Với các em, tiệm tóc như ngôi nhà thứ hai và chị Mai Lan như người mẹ thứ hai trong ngôi nhà ấy. Đây là nơi đã đem đến cho các em cuộc sống mới với tương lai tươi sáng hơn.

"Học xong lớp 9 là em nghỉ học. Nếu không xuống Hà Nội thì chắc em đang ở nhà đi làm rẫy"; "Nếu không đi học nghề thì chắc là em sẽ đi làm thuê hoặc có khi lấy vợ rồi" - đó là lời tâm sự của các bạn trẻ theo học nghề ở đây.
Nơi gieo cơ hội nghề nghiệp cho thanh niên vùng cao - ảnh 2Với học viên là những thanh niên đến từ vùng cao, chị Lan giảng dạy chủ yếu theo hình thức "cầm tay chỉ việc" - Ảnh: VOV

Với suy nghĩ dạy nghề từ chính công việc mình đã gắn bó hơn 30 năm, trong những chuyến đi từ thiện tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi, chị Mai Lan đã nhờ các thầy cô ở Trung tâm giáo dục thường xuyên của một số huyện thuộc tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Tuyên Quang… vận động gia đình một số thanh niên dân tộc Mông, Tày, Giáy, Thái có hoàn cảnh khó khăn cho các em xuống Hà Nội để ở và học nghề cắt tóc tại Mai Lan Hair Salin. Các em được đón xuống Hà Nội để học nghề hầu hết đã học hết lớp 9 và lớp 12. Khó khăn ban đầu là đa số các em chỉ nói tiếng của dân tộc mình, nói tiếng Việt chưa tốt, do đó, các phần lý thuyết liên quan đến nghề được chị Lan chuẩn bị kỹ càng, giúp các em dễ hiểu và tiếp thu nhất có thể.

Chị Mai Lan cho biết: "Tôi phải chia nhỏ nhóm để dạy các bạn. Với những bạn mới học hết lớp 9, các bạn phải học và thực hành nhiều. Phải có 1 thợ chính thường xuyên kèm cặp, giải thích cho các bạn phải làm thế nào? Hướng dẫn cho các bạn làm quen tay trước và hiểu những việc cần làm. Xong, sau đó mới quay lại học lý thuyết để biết tại sao mình phải làm như vậy? Với những bạn học lớp 12 thì lý thuyết tiếp thu nhanh hơn nên được học lý thuyết trước".

Song song với dạy nghề tóc, chị Lan còn thường dạy các em học viên về kỹ năng sống và giao tiếp; dạy các em bảng chữ cái, đọc thơ, hát để các em có thể thoải mái và tự tin trong giao tiếp với những người xung quanh. Theo chị Mai Lan: "Nghề làm tóc tưởng là dễ, đơn giản, nhưng khi đi sâu vào học thì không hề dễ. Nghề này đòi hỏi phải hoạt ngôn để nói chuyện với khách hàng. Ngoài ra còn phải biết tính toán; cũng phải biết về hóa chất vì làm tóc liên quan nhiều đến hóa chất; cũng phải biết vật lý vì liên quan đến nhiệt… Có rất nhiều môn học liên quan đến ngành nghề này. Ngoài ra còn phải có mắt thẩm mỹ để biết đẹp hay không đẹp".

Nơi gieo cơ hội nghề nghiệp cho thanh niên vùng cao - ảnh 3Chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều bạn đã trở thành thợ tóc, được giao thực hiện những phần việc không yêu cầu cao về trình độ tay nghề - Ảnh: VOV

Không chỉ dừng lại ở việc dạy nghề cho các em, chị Mai Lan còn giúp các bạn trẻ định hướng cuộc sống. Điều chị mong muốn mang đến cho những thanh niên vùng núi không chỉ là 1 công việc ổn định mà còn là suy nghĩ chín chắn hơn, hiểu biết nhiều hơn.

"Ở dưới thành phố, tư tưởng của mọi người khác với trên quê em. Ở quê em, mọi người hay lấy vợ, lấy chồng sớm. Em ở quê cũng bị bố mẹ giục lấy chồng, nhưng em chưa muốn lấy. Do đó, em đã nói với bố mẹ em muốn có 1 nghề ổn định trước rồi mới lấy chồng sau".

"Em mơ ước trở thành một nhà tạo mẫu tóc. Em cũng muốn có 1 cửa hàng của riêng mình để tự kiếm tiền, trang trải cuộc sống".

Chỉ sau thời gian ngắn học nghề, hằng tháng, các học viên được chị Mai Lan hỗ trợ một khoản tiền nhỏ để gửi về quê, phụ giúp gia đình. Ngoài ra, với những học viên đã thạo nghề, các em còn được nhận có khoản thu nhập ổn định 8 – 10 triệu đồng/tháng.

Thời gian tới, chị Mai Lan mong muốn đào tạo để các học viên dân tộc thiểu số có thể tiến xa hơn nữa trong nghề tóc. Đặc biệt, chị Lan dự định sẽ đưa một số học viên tham gia các cuộc thi quốc tế, giúp các em thành công và trở thành những tấm gương khơi nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ có cùng hoàn cảnh thay đổi tư duy, nhận thức. Qua đó, có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu