Người nông dân Khmer thu nhập vài tỷ đồng/năm

Thạch Hồng
Chia sẻ
(VOV5) - Anh Thạch Thi là hội viên nông dân luôn cần cù, ham học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ sản xuất theo công nghệ tiên tiến.

Anh Thạch Thi, 45 tuổi, người dân tộc Khmer, ở thị trấn Hưng Lợi, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Từ một nông dân nghèo, nhờ chăm chỉ làm ăn và năng động, sau hơn 20 năm khởi nghiệp, đến nay kinh tế gia đình anh phát triển, ổn định, thu nhập mỗi năm vài tỷ đồng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Năm 21 tuổi anh Thạch Thi lập gia đình và ra ở riêng. Bố mẹ chia cho 4 công ruộng (0,4 ha). Ngoài trồng lúa, anh làm thêm nghề thu mua lúa bán kiếm lời. 5 năm đầu khởi nghiệp, dù gặp không ít khó khăn, thế nhưng, nhờ sự quyết tâm, gia đình anh Thi từng bước làm ăn có lãi. Sau đó, anh mạnh dạn mở rộng nghề thu mua lúa bằng việc đầu tư phương tiện vận chuyển lớn hơn với chiếc ghe trọng tải 10 tấn.
Người nông dân Khmer thu nhập vài tỷ đồng/năm - ảnh 1Hai vợ chồng anh Thạch Thi ( bên phải) chia sẻ về thời gian khởi nghiệp của gia đình - Ảnh: VOV

Năm 2018, anh Thi đầu tư xây dựng nhà máy sấy lúa với công nghệ vận hành tự động hoàn toàn, công suất sấy lúa 1 ngày đạt 50 tấn. Có nhà máy này đã giải quyết tốt khâu làm khô lúa của gia đình, lúa thu mua của người dân, cũng như phục vụ bà con tại địa phương.

Anh Thạch Thi tâm sự: "Tôi ráng phấn đấu để làm được nhà máy sấy lúa để phục vụ gia đình và bà con. Mục tiêu của tôi là làm sao phục vụ nông nghiệp tại địa phương phát triển. Hai vợ chồng sắm được chiếc xe hành nghề mua bán lúa, thu nhập ổn định, có lãi".

Năm 2009, anh Thạch Thi sở hữu khoảng 30 công đất ruộng (3 ha), ngoài ra thuê thêm 20 công đất (2 ha) để mở rộng sản xuất lúa. Từ đó, anh mua thêm máy cày, máy xới, máy suốt lúa để phục vụ kịp thời việc sản xuất lúa của gia đình và làm dịch vụ cho bà con xung quanh. Đến nay, đất ruộng của anh đã tăng lên 13 ha, ngoài ra anh thuê mướn thêm 15 ha để sản xuất. Anh cũng đã giải quyết việc làm cho 20 lao động tại địa phương, có thời điểm lên tới 50 người.

Anh Thạch Dưỡng, người làm công cho gia đình anh Thạch Thi, chia sẻ: "Ở đây làm việc anh em có thiếu thốn gì thì anh Thi giúp đỡ, đặc biệt là anh Thi giúp đỡ xây dựng nhà, gia đình có người bệnh cũng giúp đỡ. Chúng tôi làm ở đây vừa có thu nhập, lại rất yên tâm vì anh Thi là người có tấm lòng rất tốt".

Người nông dân Khmer thu nhập vài tỷ đồng/năm - ảnh 2Nhà máy sấy lúa với nhiều lao động làm việc mỗi ngày của gia đình anh Thạch Thi - Ảnh: VOV

Sau hơn 20 năm khởi nghiệp, giờ đây ngoài 13 ha đất trồng lúa, anh Thạch Thi còn có một nhà máy sấy lúa hiện đại, nhiều ghe trọng tải lớn thu mua, có máy xới, máy cày, nhà cửa khang trang. Hằng năm, với việc sản xuất 2 vụ lúa, anh thu về khoảng 400 tấn lúa, lợi nhuận từ 3 đến 4 tỷ đồng (130.000 - 170.000 USD). Hiện tại, anh Thi đang chuyển dần sang hình thức mua lúa về, sấy khô sau đó xay xát gạo bán ra thị trường.

Anh Thạch Thi kể: "Mỗi năm càng phát triển, khách hàng của mình gần xa cũng đặt hàng gạo, thành ra mình chọn nghề chế biến gạo, cũng mơ ước sau này xây dựng được cái nhà máy xay xát gạo, giờ thì có lò sấy lúa rồi, đầu ra thì cũng ổn định rồi, giờ chỉ còn thiếu nhà máy xay xát gạo thôi".

Anh Thạch Thi là hội viên nông dân luôn cần cù, ham học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ sản xuất theo công nghệ tiên tiến. Nhờ quyết tâm làm giàu và năng động trong sản xuất, nên thành công trong các mô hình kinh tế nông nghiệp. Anh Thạch Hùng, Phó Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Hưng Lợi, cho biết: "Từ ban đầu làm ăn nhỏ lẻ thì hiện tại anh Thi đã làm được lò sấy lúa với công suất lớn, ngoài thu mua lúa tươi, lúa khô. Với ý chí và quyết tâm cao, hai vợ chồng anh Thi tiếp tục sản xuất trà gạo thành sản phẩm bán ra thị trường đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh".

Siêng năng, dám nghĩ, dám làm và tinh thần nỗ lực vươn lên, anh Thạch Thi là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở tỉnh Sóc Trăng. Tấm gương khởi nghiệp của anh là động lực để các hộ nông dân khác phấn đấu, vươn lên làm giàu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu