Xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, có vùng đất nằm bên ngoài đê bao ngăn mặn. Trước đây, mỗi năm người dân nơi đây làm 2 vụ lúa nhưng do ảnh hưởng nặng bởi phèn và mặn xâm nhập nên năng suất thấp. Vài năm gần đây, chính quyền địa phương đã vận động người dân chuyển vụ lúa Hè thu sang nuôi tôm quảng canh. Với mô hình nuôi tôm “thuận thiên” này, bà con có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Các cánh đồng nuôi tôm quảng canh ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, mênh mông nước, nhưng chỉ cần quăng chài hoặc thò tay xuống dưới nước kéo một cái giỏ lên đã thấy hàng chục con tôm búng tách tách bên trong. Ông Nguyễn Văn Ngự, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, phấn khởi cho biết bắt đầu thả tôm sú giống nuôi vào đầu tháng 5, đến cuối tháng 7 vừa qua ông thu hoạch đợt đầu được hơn 1,3 tấn. Với giá 90 ngàn đồng (3,8 USD)/kg tôm loại 100 con, ông Ngự thu về hơn 100 triệu đồng (4.300 USD). Ông nói: "Tôi thấy nuôi tôm theo mô hình này với 30 công đất thì mỗi công lãi hơn 2 triệu đồng (gần 100 USD). Bây giờ con tôm còn nhiều, mình xổ bắt một đợt rồi, giờ còn dưới vuông cũng cỡ 700-800 kg".
Nông dân ở ấp 6, xã Lương Nghĩa thu hoạch tôm - Ảnh: VOV |
Không riêng gì ông Ngự mà tất cả nông dân nuôi tôm ở xã Lương Nghĩa năm nay đều đạt năng suất cao. Hiện tôm sú đã đạt trọng lượng khoảng 30 con/kg và được thương lái vào thu mua với giá 170 ngàn đồng (7 USD)/kg. Theo bà con, nuôi tôm theo hình thức này do dựa vào nguồn thức ăn có sẵn trên ruộng, không tốn chi phí mua thức ăn cho tôm nên mang lại lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, bà con còn được cái lợi lớn là tốn rất ít chi phí trong khâu làm đất, cũng như phân, thuốc trong vụ lúa Đông xuân sau đó.
Anh Trần Văn Thịnh ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cho biết: "Tôm thả tự nhiên chứ không cho ăn thức ăn. Ở đây chỉ canh nước, nếu thời tiết nắng và hụt mức nước thì mình bơm nước vào ao, lợi nhuận cao hơn hẳn so với làm lúa hai vụ như mọi năm. Với lại, mình nuôi vụ tôm này để cho đất mình nghỉ ngơi, tạo chất phù sa nhiều nên đến vụ Đông xuân sau mình sạ lúa nhẹ chi phí hơn và lúa trúng hơn".
Mô hình nuôi tôm mang lại thu nhập gấp 2-3 lần so với vụ lúa Hè thu - Ảnh: VOV |
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, ông Lê Hồng Việt, do bị ảnh hưởng nặng nề bởi phèn, mặn xâm nhập hàng năm nên huyện đã có chủ trương chuyển từ mô hình chuyên canh lúa sang mô hình lúa- tôm để thích ứng với biến đổi khí hậu đối với vùng đất bên ngoài đê bao ngăn mặn ở xã Lương Nghĩa. Ở buổi đầu chỉ có vài hộ thực hiện việc nuôi tôm, tuy nhiên khi thấy hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa Hè thu nên dần dần bà con làm theo.
Ông Lê Hồng Việt cho biết: "Đến thời điểm này thì chúng tôi đánh giá mô hình này mang lại hiệu quả bền vững cho người nông dân. Huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra các vùng lân cận. Khi mặn đến đâu thì sẽ tiếp tục hỗ trợ để nông dân mở rộng diện tích nuôi nhằm góp phần tạo ra thu nhập thường xuyên cũng như nâng cao thu nhập cho người nông dân trên cái vùng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn".
Hiện gần 150ha đất bên ngoài đê bao ngăn mặn ở xã Lương Nghĩa đã được bà con bỏ hẳn vụ lúa Hè thu chuyển sang nuôi tôm. Bên cạnh nuôi tôm sú, tôm thẻ, bà con còn nuôi xen canh con tôm càng xanh để tăng thêm thu nhập. Ngoài xã Lương Nghĩa, các xã Lương Tâm, Xà Phiên của huyện Long Mỹ cũng có nhiều vùng nằm bên ngoài đê bao bị ảnh hưởng mặn xâm nhập hàng năm. Theo kế hoạch, huyện Long Mỹ sẽ vận động bà con nơi đây thực hiện mô hình tôm - lúa, nâng diện tích nuôi tôm “thuận thiên” ở huyện lên khoảng 500ha.