Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 hằng năm là ngày lễ quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc ở Việt Nam. Đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sỹ đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Kể từ năm 1947 đến nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa và ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, những người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của mình.
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 lung linh trong ánh nến tri ân tối 26/7. Ảnh:nhandan.vn |
Tri ân người có công bằng những hoạt động thiết thực
Ngày 27/7, hầu hết các xã, phường, thị trấn ở tỉnh Tiền Giang, cũng như các xã, phường, thị trấn trên mọi miền đất nước, đều tổ chức hoạt động thắp hương, dâng hoa, viếng nghĩa trang, đền thờ các anh hùng, liệt sĩ trên địa bàn. Cán bộ và nhân dân tham gia hoạt động đều dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ sự hy sinh, mất mát của các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của đất nước. Tại lễ tri ân các anh hùng, liệt sỹ tỉnh Tiền Giang, bà Trần Thị Lệ, người dân thành phố Mỹ Tho, xúc động: "Tôi có cảm nhận là xã hội ngày càng quan tâm, tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt sỹ, những người đã vị quốc vong thân. Chúng ta có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay, không thể nào quên những người đã nằm xuống. Tôi mong rằng tinh thần ”đền ơn đáp nghĩa” này mãi được duy trì và phát huy trong thời gian tới."
Đoàn viên thanh niên xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, Bắc Kạn tham gia giúp đỡ gia đình chính sách cấy lúa mùa. Ảnh: VOV |
Bắc Kạn, địa phương phía Bắc Việt Nam, hiện có hơn 33.000 người có công, bao gồm các thương binh, gia đình liệt sỹ và gia đình chính sách, trong đó có gần 3.000 người đang hưởng trợ cấp từ ngân sách. Dịp 27/7 năm nay, hàng nghìn lượt đoàn viên, thanh niên đã tham gia tu bổ nhà bia tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ; thăm hỏi, tặng quà thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học và thân nhân gia đình liệt sỹ... Tại Cao Bằng, các ngành, các cấp và tổ chức đoàn thể đã thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.
Bà Hoàng Thị Mỹ Hảo, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Cao Bằng, cho biết toàn tỉnh hiện có trên 48 nghìn người có công, thân nhân người có công, được hưởng chính sách theo quy định: "Mặc dù là tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng hằng năm, Cao Bằng đều dành khoảng hơn 10 tỉ đồng (422 nghìn USD) từ ngân sách để thăm, tặng quà các đối tượng chính sách. Quan điểm của tỉnh là phải chăm lo để người có công có cuộc sống ít nhất là ngang bằng với mức sống nhân dân nơi cư trú."
Tuổi trẻ Công an nhân dân tỉnh Cao Bằng dọn dẹp vệ sinh tại nghĩa trang liệt sĩ.
Ảnh: VOV |
Ưu đãi người có công là chính sách đặc biệt của Việt Nam
Ưu đãi người có công với cách mạng là chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của Ðảng, Nhà nước đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mỗi năm, ngành Lao động Thương binh Xã hội giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 6 đến 8 nghìn trường hợp, đưa trên 580 nghìn lượt người có công đi điều dưỡng chăm sóc sức khỏe định kỳ.
Mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng phù hợp với lộ trình điều chỉnh tăng mức tiền lương cơ sở. Mới đây, ngày 21/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55, quy định mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng (68 USD) lên 2.055.000 đồng (87 USD)/tháng. Tính chung trong giai đoạn 2012-2022, Đảng, Nhà nước đã dành hơn 357 nghìn tỷ đồng (15,4 tỷ USD) để thực hiện chế độ đối với người có công và thân nhân, gia đình người có công. Cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng (561 triệu USD) hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng (43 triệu USD); gần 3.000 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Đến nay, 99% hộ người có công với cách mạng cả nước có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 99% xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết: "Công tác xã hội hóa đối với chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công được làm tốt. Việc huy động các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm chăm lo đời sống người có công, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, rồi chăm lo nơi an nghỉ của anh hùng liệt sĩ, xây dựng các đền thờ liệt sĩ được triển khai với sự quan tâm. Dịp này, các cấp chính quyền đã quan tâm, chi hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương rồi huy động từ các nguồn khác thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội, các doanh nhân để chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công."
Ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách đặc biệt của Đảng và Nhà nước Việt Nam, được triển khai toàn diện trong nhiều năm qua. Việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng không chỉ thể hiện sự đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người có công mà còn góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước.