Mỗi năm khi tháng 7 đến, trên khắp đất nước Việt Nam lại vang lên những khúc ca về ngày 27/7 - như một lời tri ân, tưởng nhớ tới những anh hùng, thương binh, liệt sĩ đã hi sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
Ca khúc "Giọt nắng hè" là một tác phẩm mới nhất của nhạc sỹ Trần Lệ Giang, người Việt hiện định cư tại Scotland. Những cảm xúc đến vào những ngày tháng 7 tri ân đã làm xúc động trái tim người nhạc sĩ xa xứ. Và những giai điệu đã đến đầy da diết.
Nhạc sĩ chia sẻ: "Chiến tranh đã khiến hàng lớp lớp những người con ra đi không bao giờ trở lại. Có những cuộc chia ly đã trở thành một phần của lịch sử. Tôi viết về anh – người anh hùng liệt sỹ đã cống hiến xương máu cho độc lập tự do của dân tộc. Anh ra đi để lại phía sau mẹ già, người vợ hiền và đàn con nhỏ dại. Dưới ánh trăng, anh nguyện sẽ trở về khi đất nước không còn bóng quân thù. Nhưng trong cuộc chiến ấy, anh và đồng đội đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ. Khi đất nước yên bình, anh được người thân, xóm làng đưa anh về quê hương yêu dấu của mình, dưới hàng cây rợp mát. Đất nước gọi tên anh, nhớ mãi về anh. Trong cõi tâm linh, anh vẫn còn đâu đây như giọt nắng hè sưởi ấm lưng mẹ trong những ngày đông giá lạnh".
Ca sỹ - Nghệ sỹ ưu tú Hoàng Tùng, nhạc sĩ phối khí Dương Đức Thụy và nghệ sĩ violon Trần Anh Tú đã đưa "Giọt nắng hè" của nhạc sĩ Trần Lệ Giang đến với người yêu nhạc đúng vào dịp kỷ niệm 76 năm ngày thương binh liệt sỹ.
Nếu như "Giọt nắng hè" là sáng tác mới nhất, viết với chủ đề tri ân các anh hùng liệt sỹ thì trước đó, nhạc sỹ Trần Lệ Giang cũng đã có một bài hát rất đỗi tình cảm, dù là nói về tình yêu, nỗi thương nhớ quê nhà nhưng ẩn sâu trong đó cũng là lòng biết ơn những người đã hi sinh thân mình cho sự bình yên của Tổ quốc.
"Ai đi xa mà không nhớ quê nhà, nhớ về nguồn cội của mình. Và bao giờ cũng vậy, những hình ảnh được ghi đậm nhất trong ký ức luôn là những hình ảnh tuyệt đẹp, thanh bình như cây đa, bến nước, nơi hò hẹn của mối tình đầu; như con đò nhỏ trên sông vào những chiều hè hoàng hôn, văng vẳng tiếng hò sông nước thiết tha; như lũy tre xanh rì rào theo lời ru của mẹ... Trong ca khúc "Cội nguồn" tôi viết cũng vậy thôi. Tôi viết về nỗi nhớ khôn nguôi của những ký ức đó. Nhưng điểm nhấn của ca khúc mà tôi muốn nhắc đến là, để có một đất nước Việt Nam thanh bình, xinh đẹp như hôm nay chính là nhờ những người đã ngã xuống. Mảnh đất quê hương đã thấm đượm mồ hôi xương máu của cha anh. Sự hy sinh, sự cống hiến của họ cho độc lập tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá. Nhìn hình ảnh nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, tôi lặng mình xúc động. Tôi cũng muốn gửi một lời tri ân tới những người đã trở về sau đạn bom khói lửa, đã gửi lại một phần máu xương nơi chiến trường. Trong tôi rộn lên niềm tự hào là người con của đất Việt" - nhạc sỹ tâm sự.
Có thể nói, viết về chủ đề ngợi ca các anh hùng, thương binh, liệt sỹ là một đề tài đã đi sâu vào biết bao tác phẩm nghệ thuật. Trong âm nhạc, chúng ta đã có rất nhiều bản trường ca hào hùng và bi tráng, cũng như những khúc hát sâu lắng, chất chứa những tình cảm đẹp đẽ của các thế hệ đi sau dành cho những người con ưu tú đã ngã xuống để bảo vệ quê hương Việt Nam thân yêu. Và mới đây, nhạc sĩ Kiên Ninh cũng đã cho ra đời "Lá thư trong ba lô", một ca khúc trữ tình nhưng chất chứa thật nhiều ý nghĩa.
Nhạc sỹ Kiên Ninh chia sẻ: "Đây là ca khúc mà tôi đã viết dựa trên một câu chuyện tình thời chiến, bắt nguồn từ lá thư kỷ vật của liệt sỹ Nguyễn Thái Hòa. Một chuyện tình rất đẹp nhưng cũng đầy bi thương. Hai tuần sau khi lá thư được viết và chưa kịp gửi về cho gia đình, vẫn nằm trong đáy ba lô thì anh Nguyễn Thái Hòa đã ngã xuống ngoài mặt trận. Hành trình trở về của lá thư đã trở thành một tác phẩm âm nhạc. Chỉ là một tác phẩm được viết ở thể loại trữ tình, nhưng nó đã thể hiện lý tưởng Cách mạng cao cả của biết bao nhiêu thế hệ đi trước đã ngã xuống cho nền độc lập của đất nước, của Tổ quốc mình".