Sàng lọc cán bộ qua đại dịch Covid 19

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Điều này càng có ý nghĩa trong công tác nhân sự khi Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng đang diễn ra trên phạm vi toàn quốc.

Dịch Covid-19 trong và ngoài nước vẫn đang diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt hoạt động của đời sống kinh tế- xã hội của đất nước. Bối cảnh khó khăn này đòi hỏi cán bộ lãnh đạo các cấp quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, trí tuệ, cùng với tập thể lãnh đạo, vượt qua khó khăn trong giai đoạn phòng chống dịch và hậu dịch bệnh. Đây cũng là thời điểm giúp đánh giá năng lực bộ máy, nhất là năng lực và uy tín của cán bộ lãnh đạo quản lý, như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là “qua ứng phó với đại dịch xem cán bộ giỏi thế nào”.

Sàng lọc cán bộ qua đại dịch Covid 19 - ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 15 địa phương về tình hình và các biện pháp mới phòng chống dịch COVID-19 chiều 12/8. - Ảnh: VGP

Phòng, chống dịch Covid-19 hiện được xác định là nhiệm vụ quan trọng cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế trước mắt và lâu dài ở Việt Nam. Các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đều xác định “chống dịch như chống giặc” và yêu cầu huy động mọi nguồn lực, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh ngày càng phức tạp. Việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ này sẽ cho thấy vai trò của lãnh đạo của các cấp, các ngành vì mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị có những điều kiện, đặc thù và nguồn lực khác nhau.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các ngành, các cấp, các địa phương của Việt Nam thời gian qua  nhanh chóng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch trong giai đoạn một, bước đầu thu được những kết quả tích cực, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đồng tình, đánh giá cao.

Do là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nên các Chỉ thị của Chính phủ đều chỉ rõ các cấp, các ngành, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, hài lòng với những kết quả đã làm được, cần phải tiếp tục thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn nữa, đồng bộ và hiệu quả hơn nữa để ngăn chặn và dập tắt dịch bệnh. Để thực thi các nhiệm vụ này một cách có trách nhiệm, các cán bộ lãnh đạo giỏi không chỉ truyền đạt chỉ đạo cấp cao mà còn phải có ý tưởng, hành động, kịch bản cho địa phương, đơn vị mình duy trì công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội ở mức cao nhất.

Sàng lọc cán bộ qua đại dịch Covid 19 - ảnh 2Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trong buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về công tác quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ngày 11/8/2020. - Ảnh: VGP/Đình Nam

Đó chính là “nhiệm vụ kép” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh, rằng bên cạnh phòng chống dịch phải tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế, xã hội phù hợp trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp

Theo số liệu của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2020 lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, có thể gần 30% số doanh nghiệp được khảo sát chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.

Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc làm. Do đó, trọng trách của người lãnh đạo, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương là phải nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố nội lực sẵn sàng vươn lên ở giai đoạn “hậu Covid-19”. Năng lực lãnh đạo chỉ được bộc lộ qua kế hoạch của từng cấp, từng ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là ở các ngành, các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

“Cán bộ giỏi thế nào” cũng sẽ thể hiện rất rõ qua nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân. Các nghiên cứu đều nhấn mạnh cú sốc Covid-19 sẽ để lại tác động nghiêm trọng đến giảm nghèo, trực tiếp thông qua bệnh tật và gián tiếp thông qua mất thu nhập. Gói hỗ trợ chung đã được Chính phủ tính toán và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao về chủ trương giúp nhân dân đang gặp khó khăn. Các cán bộ địa phương sẽ thể hiện rõ vai trò của mình trong việc điều tiết, phân bổ gói hỗ trợ đến đúng người, đúng đối tượng để chính sách này đạt hiệu quả cao nhất. Người lãnh đạo giỏi chắc chắn sẽ thể hiện rõ thông qua sự chăm lo cho người dân bằng những hành động cụ thể, thiết thực chứ không chỉ bằng lời nói.

Dịch bệnh rõ ràng đang có những tác động sâu rộng, toàn diện tới kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng song thực tế đó chính lại là dịp “lửa thử vàng” để cán bộ các cấp thể hiện bản lĩnh “ chống dịch như chống giặc”, thể hiện trí tuệ, vai trò lãnh đạo cũng như năng lực xử lý những tình huống khó khăn nhất. Điều này càng có ý nghĩa trong công tác nhân sự khi Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng đang diễn ra trên phạm vi toàn quốc.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu