Chính phủ đã chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch đối với du khách quốc tế trong điều kiện bình thường từ ngày 15/3/2022, mở ra "cơ hội vàng" cho phục hồi phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn chung sống bình thường với đại dịch Covid-18.
Ngành du lịch đang nỗ lực cùng các bộ ngành và địa phương triển khai nhiều hoạt động, xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Việt Nam thân thiện, mến khách, an toàn, nhằm quyết tâm đạt mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022.
Du khách nước ngoài tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: Mạnh Cường |
Ngày 15/3 là thời điểm thích hợp để mở cửa thu hút khách du lịch quốc tế. Bởi lẽ, đến đến thời điểm này Việt Nam gần như hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mũi 3 vaccine phòng chống COVID-19, đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Nếu triển khai mở cửa du lịch chậm hơn thời gian trên sẽ làm giảm sức hấp dẫn, thu hút khách quốc tế của du lịch Việt Nam trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực đã sớm có kế hoạch mở cửa, khôi phục du lịch quốc tế. Đặc biệt, tháng 5/2022 là thời điểm Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31), việc mở cửa hoạt động du lịch quốc tế sẽ góp phần gia tăng thu hút khách du lịch đến từ các nước trong khu vực ASEAN, địa bàn đã có mức độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tương đối cao.
Dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch và hàng không Việt Nam đã bắt đầu tăng từ đầu tháng 12/2021, tăng vọt trong thời gian từ cuối tháng 12/2021 đến đầu tháng 1/2022, trong đó lượt tìm kiếm thời điểm ngày 1/1/2022 tăng 222% so tháng trước và tăng 248% so cùng kỳ 2021. Đặc biệt, từ đầu tháng 1/2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thậm chí thời điểm tăng 425% so với cùng kỳ 2021. Điều này cũng góp phần tạo động lực lớn để Việt Nam mở cửa du lịch ngày 15/3 và hiện thực hóa mục tiêu đề ra của ngành du lịch trong năm 2022 là đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế.
Đoàn du khách Nga vui chơi ở Khánh Hòa tháng 11/2021. Ảnh: Cam Ranh Rivera Beach Resor |
Tại thời điểm này, quan điểm về phục hồi và phát triển du lịch của Việt Nam là: phục hồi và phát triển du lịch phải bảo đảm môi trường an toàn, xã hội khỏe mạnh và phát triển bền vững; đổi mới hoạt động du lịch so với thời kỳ trước đại dịch, khai thác hiệu quả hơn nữa các nguồn lực, sáng tạo sản phẩm mới thích ứng với xu thế mới, năng động trong tổ chức, quản lý và vận hành để làm chủ tình hình.Trong các yếu tố đó, chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố then chốt để tạo ra sự đổi mới và đột phá cho giai đoạn phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới.
Năng lực, chất lượng của hệ thống doanh nghiệp du lịch là trụ cột quan trọng để phục hồi, tiến tới phát triển; công nghệ là xu thế tất yếu trong bối cảnh mới. Cùng với đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất du lịch là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Việc hỗ trợ các điểm đến nâng cao năng lực cạnh tranh; cải thiện sức hấp dẫn các điểm đến sau 2 năm bị tác động bởi đại dịch COVID-19 phải được xem là một trong những vấn đề quan trọng nhất để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam.
Thiết thực triển khai các hoạt động mở cửa thị trường du lịch, ngành du lịch Việt Nam đang tập trung tổ chức các chiến dịch, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh truyền thông "Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam" đối với các thị trường quốc tế và "Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn" đối với thị trường du lịch nội địa. Với thị trường quốc tế, Việt Nam ưu tiên thu hút khách du lịch từ các thị trường trọng điểm như: Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Australia, Ấn Độ... và đặc biệt ưu tiên những thị trường có chính sách công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine với Việt Nam.
Trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam (tháng 1/2020), Việt Nam có chính sách miễn thị thực cho khách có hộ chiếu ngoại giao, công vụ và phổ thông của 93 nước. Do phần lớn khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam mang hộ chiếu phổ thông, nên chính sách miễn thị thực của Việt Nam trước tháng 1/2020 dành cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ được tính là đã áp dụng cho 24 nước, bao gồm 13 nước được miễn thị thực đơn phương và 11 nước được miễn thị thực song phương. Do đó, Hội đồng Tư vấn du lịch đề nghị Chính phủ xem xét, gia hạn thời gian 3 năm miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước: Vương quốc Anh, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Italy, Cộng hòa Pháp, Vương quốc Tây Ban Nha; đồng thời cho phép công dân của 5 quốc gia Tây Âu này kéo dài thời hạn tạm trú tại Việt Nam lên 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Mặt khác, Chính phủ có thể mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho công dân các quốc gia Australia, New Zealand, Canada và Thụy Sỹ; gia hạn thời gian 3 năm miễn thị thực đơn phương từ ngày 01/1/2023 cho công dân các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Belarus. Hội đồng Tư vấn du lịch cũng đề nghị bổ sung danh sách các nước, vùng lãnh thổ được cấp thị thực điện tử như Đài Loan, Israel, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan và tất cả các quốc gia châu Âu chưa được miễn thị thực nhập cảnh.
Chính sách miễn thị thực này nếu được thực hiện, sẽ không chỉ góp phần triển khai thực hiện thành công chủ trương mở cửa thị trường du lịch, mà còn đáp ứng nhu cầu giao lưu, giao thương giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.