Đây là thủ đoạn quen thuộc mà một số thế lực thù địch thường sử dụng để can thiệp, tiến tới lật đổ các thể chế chính trị ở nhiều quốc gia. Song lợi dụng nhân quyền để xâm phạm quốc quyền Việt Nam là việc làm sai trái.
Thống kê của Bộ Quốc phòng cho thấy trong năm 2019, các luận điệu vu cáo, vu khống Việt Nam về quyền con người gia tăng nhanh. Động cơ thực sự của những luận điệu thiếu khách quan, sai sự thật không nhằm mục đích nào khác là can thiệp, kích động, xúi bẩy và gây rối hòng tính tới một sự thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.
Ảnh minh họa/TTXVN |
Luôn chăm lo phát triển quyền con người
Theo Hiến chương Liên hợp quốc, quyền con người là giá trị phổ quát và tất cả người dân các quốc gia đều mong muốn quyền của mình được bảo đảm. Quyền con người có được như ngày nay cũng chính là thành quả đấu tranh của các dân tộc, trong đó có quyền dân tộc tự quyết là quyền được nêu lên đầu tiên trong hầu hết tất cả các điều ước quốc tế. Trong công cuộc đổi mới và hội nhập toàn diện mà Việt Nam tiến hành trong nhiều thập kỷ qua, quyền con người, giá trị con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của mọi chính sách phát triển.
Tín hữu Vũ Thu Hồng, Hội thánh Tin lành Hà Nội; ông Nguyễn Văn Sáng, giáo xứ Tà Châu, Tổng giáo phận Hà Nội; ông Hoàng Văn Định, giáo phận Buôn Mê Thuột; khẳng định sự tự do tín ngưỡng tôn giáo, đảm bảo quyền con người ở Việt Nam.
"-Đảng và Nhà nước rất quan tâm nên người tín đồ được thong thả về phần xác, thong dong về phần hồn. Nhà nước quan tâm lắm, chúng tôi thích lắm.
-Được sự quan tâm của Đảng Nhà nước với thành phố hỗ trợ cho nên người dân công giáo làm được rất nhiều việc tốt đẹp. Như dồn ô đổi thửa đạt năng suất cao nên người dân phấn khởi tin vào đường lối của Đảng, Nhà nước.
-Chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi. Đảng và Chính phủ tạo cho chúng tôi niềm vui, hạnh phúc nơi trần gian này."
Quyền con người ở Việt Nam được đảm bảo trên thực tế. Đây là những điều không chỉ người dân Việt Nam khẳng định mà những người nước ngoài ở Việt Nam đều cảm nhận được. Quyền tiếp cận thông tin hay tự do internet là một ví dụ.
Đại sứ Palestine Saadi Salama, người có 20 năm sống và làm việc ở Việt Nam, cho biết: "Tôi đã từng làm ở nhiều quốc gia và tôi có thể khẳng định internet và những điều kiện mà chính phủ Việt Nam đã tạo cho những người đang sinh sống ở Việt Nam, làm cho người ta cảm thấy Việt Nam là một quốc gia rất quan tâm đến hội nhập, rất quan tâm đến việc muốn trở thành bạn của các quốc gia trên thế giới, rất quan tâm đến việc Việt Nam muốn trở thành một quốc gia rất yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng tôn trọng pháp luật quốc tế, muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại để phát triển nhũng giá trị con người trên hành tinh của chúng ta."
Thống kê mới đây cho thấy có khoảng 70% người dân Việt Nam được tiếp cận Internet hàng ngày, không chỉ để phục vụ sinh kế, học tập, giải trí mà còn để trực tiếp thực hiện các quyền con người của mình, kể cả những quyền dân sự, chính trị như tham gia đóng góp ý kiến với các dự thảo văn bản chính sách, pháp luật.
Cho đến nay, Việt Nam đã thực hiện tốt việc phổ cập các chính sách về quyền con người, thực hiện bảo vệ quyền con người hài hoá hoá với các lĩnh vực khác. Việt Nam là nước đầu tiên phê chuẩn Công ước về chống Bạo hành Phụ nữ và Quyền Trẻ em. Kể từ khi Hiến pháp 2013 được thông qua, Việt Nam luôn chú trọng cải cách pháp luật, hoàn thiện thể chế, chính sách với việc ban hành sửa đổi, bổ sung hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến quyền con người. Ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều quy định mới bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động, cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế quan trọng của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Đây là những ví dụ mới nhất khẳng định chính phủ Việt Nam luôn đảm bảo quyền con người, tôn trọng quyền sống và lợi ích của người dân. Xây dựng chính sách và thực thi triệt để chính là một phần quan trọng trong việc xây dựng quyền con người.
Mượn cớ nhân quyền để xâm phạm quốc quyền là việc làm sai trái
Thực tế đã chứng minh rằng, cáo buộc xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam là những bịa đặt vô căn cứ. Việc một số tổ chức quốc tế, một số chính phủ đưa ra báo cáo nhân quyền sai lệch về Việt Nam cũng cho thấy họ chưa hiểu hết về Việt Nam và đang có cái nhìn phiến diện, một chiều về Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phân tích:"Hai phiên đối thoại khi chúng ta trình bày báo cáo về bảo đảm quyền con người ở Việt nam trong khuôn khổ Rà soát định phổ cập đối với tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc tại Hội đồng Nhân quyền, thì đại đa số, tuyệt đại đa số đều phát biểu đánh giá cao. Thế còn số còn lại là thiểu số do thiếu thông tin hoặc là do vì những mục đích cá nhân mà họ nhìn rất tiêu cực. Họ dựng lên những cái rất bịa đặt. Tại đây chúng tôi đã nêu thực tế ở Việt Nam. Chúng tôi rất buồn cho họ. Họ phát biểu chắc là do một ai đó chuẩn bị. Hoặc họ chuẩn bị mà họ không biết gì đến thực tế của Việt Nam"
Chính phủ Việt Nam luôn đón nhận những quan điểm khác biệt và tôn trọng sự góp ý của cộng đồng quốc tế. Nhưng Việt Nam không chấp nhận một lối tư duy đội lốt phản biện để phủ nhận sạch trơn những thành quả, những chính sách đã được người dân ghi nhận. Việc lợi dụng nhân quyền để xâm phạm quốc quyền của Việt Nam rõ ràng là những hành vi sai trái, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ Việt Nam, đi ngược lại xu hướng gia tăng hiểu biết, hòa bình và phát triển cho mọi quốc gia, dân tộc.