Không thể xuyên tạc EVFTA và cản trở quá trình hội nhập của Việt Nam

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Đại diện các nước và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cũng đã hoan nghênh nỗ lực đảm bảo quyền con người của Việt Nam. 

Nghị viện châu Âu (EP) ngày 12/2/2020 đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa châu Âu (EU) với Việt Nam. Việc EP phê chuẩn EVFTA và EVIPA với số phiếu cao khiến những luận điệu xuyên tạc các Hiệp định này giờ đây trở nên lạc lõng và hài hước. Điều này cũng chứng minh rằng bất cứ luận điệu nào của các thế lực thù địch không thể cản trở quá trình hội nhập của Việt Nam.

Không thể xuyên tạc EVFTA và cản trở quá trình hội nhập của Việt Nam - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. - Ảnh: TTXVN

Việc Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chặng đường 30 năm phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Với Hiệp định EVFTA, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tư do với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, khẳng định Việt Nam - từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên đã vươn lên trở thành nước một trong những nước đi đầu trong khu vực trong tiến trình này.

Những tiếng nói lạc lõng

Lợi ích mà EVFTA đem lại là rất rõ ràng để thúc đẩy tăng trưởng mỗi bên, mở rộng thị trường hàng hóa, dịch vụ với ưu đãi về thuế đối với người tiêu dùng, cơ hội đầu tư, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, hứa hẹn mở ra nhiều việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động đối với cả Việt Nam và EU.

Thế nhưng, trong khi Việt Nam và EU rất nỗ lực, trách nhiệm để EVFTA được hoàn tất, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, thì các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động lại gia tăng các hình thức chống phá, ngăn cản. Họ đệ trình, gửi các báo cáo, kiến nghị, yêu cầu đòi trì hoãn, hủy bỏ thông qua Hiệp định mà hai bên đã dày công xây dựng trong xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển hiện nay. Chúng cho rằng đây là “cơ hội hành động” của các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền, xã hội dân sự. Các phần tử phản động, cơ hội chính trị đẩy mạnh các hoạt động cản trở, phá hoại bằng mọi hình thức, vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền, tăng cường các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ để xuyên tạc, bóp méo tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam.

Không thể xuyên tạc EVFTA và cản trở quá trình hội nhập của Việt Nam - ảnh 2Ảnh minh họa 

Theo các chuyên gia, vấn đề nhân quyền và quyền con người trong Hiệp định EVFTA được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ bao gồm nhóm quyền thế hệ thứ nhất, tức là nhóm quyền dân sự và chính trị, quyền được sống và quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tín ngưỡng, mà cả nhóm quyền thế hệ thứ hai, tức là các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, quyền được làm việc, quyền được hưởng an sinh xã hội, quyền giáo dục, quyền được biểu tình, quyền nghỉ ngơi và giải trí. Hiệp định còn bao gồm nhóm các quyền thế hệ thứ ba, gồm các quyền liên quan đến môi trường, an ninh và phát triển.

Ba nhóm quyền này không tách rời mà ngược lại, còn gắn bó chặt chẽ với nhau. Việc EU ký kết và thông qua EVFTA với Việt Nam cho thấy họ đã trân trọng và ghi nhận những tiến bộ về thực thi các quyền con người ở Việt Nam. Về những tiếng nói lạc lõng, cố tình bôi nhọ, xuyên tạc những thành quả nhân quyền của Việt Nam, Tiến sỹ Cao Đức Thái, chuyên gia nghiên cứu về quyền con người, chỉ rõ: “Lý do mà họ đưa ra để cản trở Hiệp định này là hoàn toàn không có căn cứ về mặt lý luận cũng như thực tế. Việc họ kêu gọi EU không thông qua Hiệp định EVFTA lấy cớ nhân quyền là sự xuyên tạc. Họ phủ nhận bản chất chế độ. Mục tiêu cuối cùng của họ là hạ thấp uy tín của Đảng cộng sản Việt Nam”.

Không thể xuyên tạc EVFTA và cản trở quá trình hội nhập của Việt Nam

Thực tế đã chứng minh, các chủ trương chính sách của Việt Nam phù hợp với các công ước quốc tế, tuyên ngôn nhân quyền của LHQ. Đại diện các nước và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cũng đã hoan nghênh nỗ lực đảm bảo quyền con người của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đã thực hiện tốt việc phổ cập các chính sách về quyền con người, thực hiện bảo vệ quyền con người hài hòa với các lĩnh vực khác.Trong khi đó, EVFTA vốn là hiệp định thương mại đầu tư,nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, mở ra môi trường phát triển giữa hai bên. Việc một số cá nhân, tổ chức núp bóng cái gọi là dân chủ, nhân quyền để gán ghép, lắp ráp vấn đề chính trị nhằm ngăn cản phê chuẩn và thực thi Hiệp định này là vì những lợi ích cá nhân của họ.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: “Cái việc mượn cớ nhân quyền ở VN rõ ràng là lạc lõng, không khách quan, không phản ánh đúng các thành tựu về quyền con người mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân VN đã đạt được trong hơn 30 năm đổi mới và hội nhập. Thực tiễn bảo vệ và bảo đảm quyền con người ở VN có thể nói là đạt được nhiều thành tựu rất to lớn. Cho đến nay quốc tế đánh giá rất cao. Tất cả các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của chúng ta”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân, sự nghiệp đổi mới của nhân dân Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trên nhiều lĩnh vực, an sinh xã hội được bảo đảm và tăng cường. Đến năm 2015, Việt Nam đã hoàn tất các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trước thời hạn.

Tại đối thoại Báo cáo Quốc gia về nhân quyền theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 3 của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc ngày 22/1/2019, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, trong đó có quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Rõ ràng, những xuyên tạc, vu cáo về tình hình nhân quyền, lấy đó làm lý do để ngăn cản, phá hoại EVFTA là đi ngược lại với lợi ích dân tộc, chống lại nhân dân, phá hoại đường lối hội nhập kinh tế, công cuộc đổi mới cách mạng Việt Nam.Việc EP thông qua EVFTA và EVIPA cho thấy những xuyên tạc, vu cáo này đã trở nên lạc lõng và không thể ngăn cản quá trình hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam..

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu