Thầy giáo Vũ Văn Tùng, cá nhân được vinh danh trong chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2024

Chia sẻ
(VOV5) - Thầy giáo Vũ Văn Tùng đã vận động, quyên góp, giúp đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Thầy giáo Vũ Văn Tùng là 1 trong 10 cá nhân xuất sắc, tiêu biểu, được vinh danh trong chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2024, diễn ra ngày 19/5 vừa qua. Gần 10 năm gắn bó với trường Trung học và Trung học cơ sở Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, thầy giáo Vũ Văn Tùng luôn trăn trở làm sao các em được ăn no, mặc ấm, yên tâm tới trường, tới lớp. Bằng những hành động cụ thể, thầy giáo Vũ Văn Tùng đã vận động, quyên góp, giúp đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Nghe âm thanh tại đây:
Cứ đến nửa buổi học là có rất nhiều em học sinh ra về. Có những hôm chỉ còn 1 thầy 1 trò ở lớp. Khi hỏi thì các em bảo là các em về nhà để kiếm cái ăn. Mình suy nghĩ là phải làm điều gì đó để níu giữ bước chân các em đến trường, đến lớp và thế là “Tủ bánh mì 0 đồng” ra đời.

Đây là tâm sự của thầy giáo Vũ Văn Tùng, quê ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử năm 2005 tại trường Đại học Đà Lạt, thầy về công tác và gắn bó với ngôi trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai.

Thầy giáo Vũ Văn Tùng, cá nhân được vinh danh trong chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2024 - ảnh 1

Thầy giáo Vũ Văn Tùng (mặc áo đỏ xanh) đang hỗ trợ bánh mì cho học sinh Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (ở xã Pơ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Hoàng Cư

Hiểu rõ sự khó khăn, thiếu thốn của học trò vùng khó, cách đây 3 năm, cuối năm 2021, thầy Tùng đã sáng lập, xây dựng mô hình “Tủ bánh mì 0 đồng” để hỗ trợ bữa ăn sáng cho học sinh dân tộc thiểu số. Ban đầu, tủ bánh chỉ có khả năng hỗ trợ khoảng 60 ổ bánh mì cho các em học sinh mỗi ngày. Sau đó, nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà hảo tâm và sự lan tỏa của mô hình, đến nay cứ đều đặn vào các sáng, “Tủ bánh mì 0 đồng” đã hỗ trợ bữa ăn sáng cho hơn 200 em học sinh tại các điểm trường và người dân nghèo sống gần đó. Tổng kinh phí thực hiện mô hình đến nay gần 400 triệu đồng (gần 17.000 USD): Những hình ảnh của thầy trò được lan tỏa nên đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm, chia sẻ của những tấm lòng nhân ái trên khắp cả nước. Từ đó, giúp các em ngày càng gắn bó với trường, với lớp hơn.

Giải quyết được cái ăn, học sinh phấn khởi đến trường. Trên đà đó, thầy Tùng tiếp tục thực hiện mô hình “Trao sinh kế cho học trò nghèo”. Thầy Tùng tham mưu với nhà trường, công đoàn trường, mở các cuộc họp với các già làng, thôn, trưởng bản.., để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Từ nguồn kinh phí vận động, thầy Tùng đã mua 8 con bò giống sinh sản, gửi nuôi tại chuồng của dân để xây dựng quỹ sinh kế hỗ trợ lâu dài cho học sinh với số tiền hơn 120 triệu đồng (hơn 4.700 USD). Đến nay, các vật nuôi đã sinh sản và phát triển tốt, đã trao 15 con bò sinh sản có trị giá hơn 200 triệu đồng (khoảng 8.500 USD) cho 18 em học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp và các trường học trên địa bàn huyện Ia Pa, các vùng lân cận, góp phần phát triển kinh tế gia đình và tạo động lực để học sinh đến trường. Chị Đinh Thị K’Long, một phụ huynh học sinh được hỗ trợ, chia sẻ: Thầy Tùng giúp đỡ 1 con bò, 1 xe đạp, gạo ăn. Bố mẹ không biết chữ xấu hổ lắm nên bây giờ phải cố gắng cho con đi học, biết chữ thì bố mẹ mai sau yên tâm rồi.

Cũng từ mô hình “Tủ bánh mì 0 đồng”, qua 3 năm triển khai, đã có 3 căn nhà cho học trò có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được xây dựng và bàn giao, với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng (8.500 USD).

Với thầy Tùng, đi gần trăm cây số mỗi ngày, đến tận nhà chở học sinh đến lớp hay vô tận chòi rẫy xa, ở lại đêm để vận động học sinh về đi học là việc làm rất thường xuyên. Bù lại, những lớp do thầy Tùng chủ nhiệm không có trường hợp học sinh bỏ học giữa chừng:

  

Theo thầy giáo Vũ Văn Tùng, mục đích cuối cùng của những hoạt động của thầy là tạo điều kiện tốt nhất để học sinh có cơ hội đến lớp tiếp thu tri thức, rèn luyện đạo đức góp phần xây dựng quê hương, đất nước sau này. Chia sẻ niềm vui và vinh dự khi được vinh danh tại Chương trình Vinh quang Việt Nam 2024, ngày 19/5, tại Hà Nội, thầy Vũ Văn Tùng cho rằng đây là món quà ý nghĩa dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà thầy suốt đời học tập và noi theo: Trong suốt thời gian vừa qua, tôi luôn làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với giáo viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng tôi rằng là người thầy thì phải rèn cả Đức lẫn Tài. Tài là văn hóa, là chuyên môn. Còn Đức là chính trị và muốn học sinh có được cái Đức thì bản thân thầy, cô phải là người có Đức và phải nêu gương. Vì thế, cho dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, nên tôi cũng quyết tâm thực hiện.

Từ sự tận tụy của thầy Vũ Văn Tùng, nhiều học trò ở xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, đã trưởng thành. Mỗi khi nhắc đến thầy Tùng, dân làng nơi đây thường gọi thầy bằng cái tên trìu mến “Đinh Tùng” như người con của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Đồng nghiệp của thầy Tùng luôn dành cho thầy những tình cảm nể phục vì những hành động đẹp và ý nghĩa của thầy.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu