Kể từ mùa thu cách mạng năm 1945, Quảng trường Ba Đình đã trở thành địa danh gần gũi và thiêng liêng với người dân Hà Nội và cả nước. Đây là quảng trường lớn nhất Việt Nam, tọa lạc trên đường Hùng Vương, quận Ba Đình, và là nơi đặt Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quảng trường nằm trong Cụm Di tích lịch sử - văn hoá Ba Đình, đã trở thành chứng nhân đi cùng năm tháng, âm thầm lặng lẽ khắc ghi, lưu giữ những dấu vết của thời gian, của lịch sử. Nơi đây là trái tim của thủ đô, là niềm tự hào của người dân thủ đô nói riêng, toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Có mặt trên quảng trường Ba Đình ở mọi khoảng khắc khác nhau trong năm, đặc biệt là sớm mùa thu Quốc khánh, người dân Việt Nam đều cảm thấy tự hào. Những ngày tháng 9, quảng trường đón hàng chục vạn người dân từ nhiều tỉnh, thành khác nhau trên cả nước tới đây để cùng vui niềm vui của Ngày lễ Độc lập, dưới lá cờ đỏ sao vàng.
Quảng trường Ba Đình. Ảnh: nhandan.vn |
Từ Đồng Nai ra thăm thủ đô đúng dịp Quốc khánh, chị Nguyễn Bích Hạnh mang trong mình nhiều cảm xúc.: "Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm quảng trường đúng dịp Quốc khánh. Còn kịp dự nghi thức chào cờ từ 6 giờ sáng. Cảm xúc rất khó tả. Xúc động xen lẫn niềm tự hào dân tộc. Những khoảnh khắc ở nơi đây rất thiêng liêng."
Quảng trường Ba Đình, trái tim của Hà Nội, là một di tích lịch sử và là một danh thắng nổi tiếng của Thủ đô. Nơi đây diễn ra sự kiện đặc biệt quan trọng của người dân đất Việt. Ngày 02/09/1945, trước 50 vạn nhân dân Hà Nội và các vùng lân cận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những lời nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình lịch sử trong mùa thu năm ấy như vẫn còn vang vọng, in đậm trong tâm trí nhiều người Việt Nam khi đến với quảng trường Ba Đình.
Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất Việt Nam, có khuôn viên với chiều dài 320m, rộng 100m. Có 210 ô cỏ, xen giữa là lối đi rộng 1,4m. Nổi bật ở phía chính giữa quảng trường là một cột cờ cao 25m với lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới ngày ngày để khẳng định nền độc lập chủ quyền vững chắc của dân tộc. Trước đây, Quảng trường là một khu vực nằm trong phạm vi Hoàng thành Thăng Long. Năm 1894, khi chiếm đóng Hà Nội, thực dân Pháp đã xây một vườn hoa nhỏ gọi là Quảng trường Tròn hay còn gọi là Quảng trường Pugininer.
Khi Nhật đảo chính Pháp và tuyên bố công nhận độc lập cho Việt Nam, Thị trưởng Hà Nội Trần Văn Lai đã đổi tên vườn hoa Pugininer thành vườn hoa Ba Đình để tưởng nhớ cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Đinh Công Tráng ở vùng Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá vào cuối thế kỷ 19.
Quang cảnh ngày lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 Ảnh: Tư liệu lịch sử |
Trong quá khứ, quảng trường Ba Đình còn có nhiều tên gọi khác. Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết: "Tháng 7/1945, nơi đây được đổi thành tên Ba Đình với tư cách là Vườn hoa Ba Đình. Đến ngày 02/09/1945, nơi đây là lễ trường để Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, vì thế đến tháng 12/1945, chỗ này được đổi gọi là Vườn hoa Độc lập. Vào thời người Pháp tạm chiếm, Thị trưởng Hà Nội Thẩm Hoàng Tín đổi gọi nơi này thành tên Vườn hoa Hồng Bàng. Đến ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định trả lại tên gọi cũ cho nơi này thành vườn hoa Ba Đình. Rồi dần chuyển đổi tên gọi từ vườn hoa thành quảng trường. Và ngày 02/09/1975 chính thức khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi này trở thành một bộ phận không thể thiếu của cả một vùng linh thiêng, tôn nghiêm."
Bên ngoài quảng trường Ba Đình ngoài các công trình kiến trúc đã có từ khi mới được xây dựng như phủ toàn quyền Pháp, theo năm tháng còn có sự xuất hiện của các công trình quan trọng như: phủ Chủ tịch, hội trường Ba Đình, tòa nhà Quốc hội và đặc biệt nhất trong trái tim mỗi người dân Việt Nam chính là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi mà mỗi người con tìm về đều cảm thấy một niềm tự hào, xen lẫn những niềm xúc động.
Lễ Thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh:nhandan.vn |
Ông Đỗ Chiến Thắng, ở quận Ba Đình, Hà Nội, chia sẻ: "Tôi luôn háo hức mỗi lần được đến thăm Lăng Bác. Bây giờ dù đã lớn tuổi nhưng cảm xúc ấy vẫn luôn còn nguyện vẹn như ngày đầu Lăng Bác mới khánh thành."
Quảng trường Ba Đình với những cảnh quan và quần thể kiến trúc đẹp bậc nhất Hà Nội cùng với những giá trị văn hóa, lịch sử luôn gắn liền với những đổi thay mạnh mẽ của đất nước. Dù là trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, nơi đây vẫn luôn là địa điểm mang nhiều giá trị tinh thần, in sâu trong tâm khảm người Việt.