Cột mốc ba biên Việt Nam-Lào-Campuchia: Biểu tượng của sự tin cậy, đoàn kết trong xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị

Khoa Điềm
Chia sẻ
(VOV5) - Đây là nơi mà “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”.

Ở tỉnh Kon Tum, trong suốt chiều dài hơn 292km đường biên giới giáp hai nước Lào và Campuchia có một vị trí đặc biệt, nơi mà “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”. Tại đây, vào năm 2007, với tinh thần hợp tác của Chính phủ và Nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia trong thực hiện giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ, một cột mốc 3 biên được xây dựng. Đây là biểu tượng của sự tin cậy, đoàn kết trong xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị của 3 nước Việt Nam – Lào - Campuchia.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Cột mốc ba biên Việt Nam-Lào-Campuchia: Biểu tượng của sự tin cậy, đoàn kết trong xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị - ảnh 1 Cột mốc ba biên là biểu tượng thiêng liêng giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. - Ảnh: VOV

Cột mốc ba biên Việt Nam – Lào - Campuchia được khởi công xây dựng vào ngày 29/11/2007 và hoàn thành vào ngày 18/1/2008. Cột mốc nằm trên đỉnh một ngọn núi có độ cao hơn 1.000 mét, phía Việt Nam thuộc xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, phía Lào là tỉnh Attapư và phía Campuchia là tỉnh Rattanakiri. Kể từ khi hoàn thành, suốt 12 năm qua, cột mốc ba biên Việt Nam – Lào - Campuchia là điểm đến của người dân cả nước và nhiều đoàn khách quốc tế. Anh Điểu Lê Nam Nam, Cán bộ Hội Liên Hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Đăk Nông, lần đầu tới thăm cột mốc ba biên, chia sẻ: "Lần đầu tiên đến đây thì em cảm thấy rất là tự hào. Cảm ơn ông cha đã hy sinh xương máu để bảo vệ độc lập chủ quyền cũng như biên giới lãnh thổ tổ quốc".

Cột mốc ba biên Việt Nam-Lào-Campuchia: Biểu tượng của sự tin cậy, đoàn kết trong xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị - ảnh 2 Các bạn trẻ tham gia hành trình Tôi yêu Tổ Quốc thực hiện nghi lễ chào cờ tại cột mốc ba biên. - Ảnh: VOV

Từ cửa khẩu quốc tế Bờ Y, ô tô chỉ cần vượt quãng đường khoảng 10km giữa quang cảnh núi non hùng vỹ là đến cột mốc ba biên. Tỉnh Kon Tum đã xây dựng một bãi đỗ xe ngay dưới chân núi nơi xây dựng cột mốc, cùng với đó đường dẫn với hàng trăm bậc lên cột mốc vừa được ốp đá sạch sẽ và khang trang. Ấn tượng hơn nữa là quả đồi nơi xây dựng cột mốc trước đây trọc lốc vì bom đạn và chất độc hóa học, nay cây cối đã phủ xanh. Ông Đỗ Trọng Khôi, 77 tuổi, nguyên Giám đốc Bảo tàng Biên phòng, Thủ đô Hà Nội, lần thứ ba trở lại thăm cột mốc ba biên, vẫn bồi hồi: "Lên đây thăm lại chiến trường xưa. Được gặp lại bạn bè đồng đội ở Biên phòng Kon Tum hết sức là cảm động. Và đặc biệt là lại được lên cột mốc ngã ba biên giới của Đông Dương giữa Lào- Việt Nam và Campuchia, gặp lại cột mốc chủ quyền của tổ quốc lại càng cảm động và xúc động hơn nữa. Thời kỳ ngày xưa chú lên đây thì cột mốc này đang còn đơn giản chưa được đẹp và sinh động cũng như nhiều người đến thăm quan thế này đâu. Lên đây lần thứ ba thì phải nói rằng hết sức khang trang, đẹp đẽ”.

Cột mốc ba biên Việt Nam-Lào-Campuchia: Biểu tượng của sự tin cậy, đoàn kết trong xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị - ảnh 3 Hoạt động tuần tra chung bảo vệ biên giới. - Ảnh: VOV

Với vị trí địa lý đặc biệt, là biểu tượng của sự tin cậy, đoàn kết, trong những năm qua, cột mốc ba biên ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, thường xuyên là điểm đến trong các hoạt động về nguồn; là nơi giao lưu, gặp gỡ trong hoạt động đối ngoại Nhân dân, đối ngoại Biên phòng; trong xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị của lực lượng chuyên trách tỉnh Kon Tum, Việt Nam; Attapư, Lào và Rattanakiri, Campuchia.

Với quyết tâm xây dựng trên 292km đường biên giới giáp nước Lào và Campuchia thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị mà biểu tượng sinh động nhất là cột mốc ba biên, trong khoảng 7 năm qua, lực lượng Biên phòng Kon Tum phối hợp với các lực lượng bảo vệ biên giới của Lào và Campuchia tổ chức trên 800 lần hội đàm; trên 500 lần trao đổi tình hình; hơn 230 đợt tuần tra song phương và giải quyết tốt các vụ việc xảy ra trên tuyến biên giới. Đại tá Phạm Ngọc Phú, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, cho biết: "Bộ đội Biên phòng luôn luôn tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại biên phòng. Cụ thể  tổ chức giao lưu, hội đàm theo định kỳ ở nhiều cấp nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và nâng cao hiệu quả phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Tham mưu cho địa phương tổ chức kết nghĩa thôn- bản hai bên biên giới nhằm tăng cường mối quan hệ hiểu biết. Tích cực giúp đỡ nhân dân, cấp ủy, chính quyền và lực lượng bảo vệ biên giới phía đối diện với phương châm “giúp bạn là tự giúp mình” góp phần không ngừng củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó hai bên biên giới".

Những tháng đầu năm nay, cột mốc ba biên phân định biên giới lãnh thổ 3 nước Việt Nam- Lào- Campuchia, ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum đón rất nhiều các đoàn khách trong nước và ngoài nước đến thăm quan. Với trách nhiệm thiêng liêng mà Tổ quốc và Nhân dân giao phó, lực lượng Biên phòng Kon Tum đang ngày đêm bảo vệ, xây dựng  cột mốc ba biên mãi mãi là biểu tượng của sự tin cậy, hòa bình, hữu nghị và đoàn kết của ba quốc gia Việt Nam -  Lào – Campuchia để cùng phát triển.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu