Chuyện về những người canh mắt biển ở Trường Sa

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Các trạm hải đăng ở quần đảo Trường Sa ngoài  ý nghĩa quan trọng về vị trí chiến lược, kinh tế, an ninh quốc phòng, còn có nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho đường hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông.

(VOV5) - Các trạm hải đăng ở quần đảo Trường Sa ngoài  ý nghĩa quan trọng về vị trí chiến lược, kinh tế, an ninh quốc phòng, còn có nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho đường hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông. Để bảo đảm cho các ngọn hải đăng quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, luôn phát sáng, những cán bộ ở trạm đèn không ngại khó khăn, gian khổ, bất chấp sóng gió biển khơi để hướng dẫn các con tàu đi lại an toàn.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Tại quần đảo Trường Sa đang có 9 trạm hải đăng, trong đó 3 trạm nằm trên các điểm đảo chìm là Đá Lát, Đá Tây và Tiên Nữ. Trạm hải đăng Đá Lát ở phía Nam của quần đảo Trường Sa, được xây dựng từ năm 1994 có chiều cao 42m. Phụ trách quản lý ngọn hải đăng này là 4 cán bộ của Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Biển Đông và Hải đảo.


Chuyện về những người canh mắt biển ở Trường Sa - ảnh 1
Anh Trịnh Văn Nguyên, người đã gắn bó nhiều năm với các trạm hải đăng



Phần lớn diện tích của trạm là phục vụ cho hoạt động của hải đăng, những khoảng trống nhỏ ở lan can các tầng được tân dụng làm nơi để trồng rau, khu nuôi chim bồ câu, nuôi gà, nuôi heo. Chia sẻ về cuộc sống ở trạm, anh Vũ Duy Tiến, cán bộ trạm hải đăng Đá Lát, cho biết: Hàng ngày các anh chia làm 4 ca trực để sẵn sàng chỉ dẫn cho tàu thuyền đảm bảo an toàn hàng hải. Khi một người trực thì 3 người còn lại làm các việc khác như kiểm tra kỹ thuật, đảm bảo hệ thống điện, vệ sinh hệ thống đèn báo hiệu : “Ngoài đảo thời tiết rất khắc nghiệt, vất vả. Nói thiếu thì thiếu nhiều, cuộc sống vất vả  nhưng là anh em cán bộ đều yêu nghề, yêu biển đảo”
.  

Chuyện về những người canh mắt biển ở Trường Sa - ảnh 2
Trồng rau trên trạm hải đăng Đá Lát


Gần hơn 20 năm công tác ngoài Trường Sa anh Tiến cho biết: Cuộc sống ở ngoài hải đăng bây giờ đã tốt hơn xưa rất nhiều. Hiện cứ hai tháng lại có tàu của Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Biển Đông và Hải đảo vận chuyển nhu yếu phẩm ra cho trạm. Trạm còn tăng gia sản xuất như trồng rau, nuôi gà, vịt, heo nên bữa ăn của cán bộ không lo thiếu thốn.


Chuyện về những người canh mắt biển ở Trường Sa - ảnh 3
Hải đăng Nam Yết


Do đặc thù công việc nơi đầu sóng, ngọn gió, thời gian công tác lại diễn ra liên tục, các cán bộ hải đăng phải là người có sức khỏe tốt, chuyên môn tốt mới được ra công tác ngoài quần đảo Trường Sa. Xa gia đình, khó khăn, vất vả nhưng các cán bộ hải đăng luôn nỗ lực, phấn đấu, tạm gác lại nỗi nhớ đất liền để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hoàn thành công việc ở trạm này xong, các anh lại tiếp tục chuyển sang trạm khác nhận nhiệm vụ mới. Anh Trịnh Văn Nguyên, Trạm trưởng hải đăng Đá Lát, chia sẻ: Anh đã công tác nhiều năm và đã gắn bó với 9 trạm hải đăng ở Trường Sa: “ Tôi và các anh em đã ra ngoài này, đã có 20 năm. Kinh nghiệm có nhiều, gặp khó thì ta khắc phục. Nói ví dụ về việc tăng gia, sóng cứ đánh vào đâu, cứ gió đổi hướng là anh em lại tập trung nhau lại để căng bạt chắn gió cho thùng rau”.

Chuyện về những người canh mắt biển ở Trường Sa - ảnh 4
Trạm hải đăng Đá Tây


Trong khi đó, anh em cán bộ Trạm hải đăng Đá Tây còn có nhiệm vụ hướng dẫn tàu thuyền đi lại biết được vị trí tọa độ của mình và chỉ dẫn tuyến đường an toàn cho tàu thuyền đi trong vùng biển phụ trách. Anh Trần Văn Khánh, Trạm trưởng trạm hải đăng Đá Tây, cho biết: Trạm hiện tại có 3 cán bộ làm việc. Hoạt động của trạm tập trung vào ban đêm, cứ 2 tiếng lại thay ca một lần. Trạm vừa được lắp đặt thêm hệ thống điện, đèn mới, điều kiện sinh hoạt của anh em cũng được cải thiện hơn. Anh Trần Văn Khánh cho biết: “Công việc ở hải đăng là thường xuyên, liên tục, và không bao giờ để đèn tắt. Nếu đèn tắt là nguy hiểm lắm, ảnh hưởng đến cả tàu thuyền đi lại”.

Chuyện về những người canh mắt biển ở Trường Sa - ảnh 5
Trạm Hải đăng Nam Yết


Ra đảo tiếp quản trạm hải đăng từ những ngày tóc còn xanh, giờ sau 20 năm, tóc đã lốm đốm bạc, nhưng Trạm trưởng Bùi Văn Sơn, Trạm hải đăng Nam Yết, vẫn quyết tâm bám trụ tại quần đảo Trường Sa. 20 năm trong nghề, luân chuyển qua tất cả các ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa và đây là lần thứ hai anh quay lại Nam Yết: “Đầu tiên tôi ra đảo An Bang và tiếp quản đèn An Bang từ năm 1995. Cuộc sống ngày xưa khó khăn lắm. Giờ thì trạm đã có điện, cuộc sống cải thiện nhiều, đã có tivi, thực phẩm được đựng vào tủ cấp đông. Đặc biệt giờ đã có điện thoại, cập nhật được thông tin, liên lạc được với gia đình, bạn bè. Đảo và bờ đã gần lại rất nhiều”.


Vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, những cán bộ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và giữ cho ngọn hải đăng ở Trường Sa luôn được thắp sáng. Sức sáng tạo, sự bền bỉ và tinh thần quyết tâm đã giúp các anh, những người thắp đèn ở Trường Sa, khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và giúp cho những chuyến tàu khắp năm châu đi lại an toàn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu