Ấn tượng Sơn La

Lan Anh
Chia sẻ
(VOV5)- Cách Thủ đô Hà Nội hơn 300km về phía Tây Bắc, những năm gần đây, thành phố Sơn La được lựa chọn là điểm đến trong năm của du khách. 
(VOV5)- Cách Thủ đô Hà Nội hơn 300km về phía Tây Bắc, những năm gần đây, thành phố Sơn La được lựa chọn là điểm đến trong năm của du khách. 


Ấn tượng Sơn La - ảnh 1
Non nước hữu tình trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: Công Minh


Nghe âm thanh bài viết tại đây.




Sơn La là vùng đất hội tụ nhiều dân tộc anh em, có nhiều lễ hội đặc sắc, di tích lịch sử và phong cảnh hữu tình. Xuân này đến Sơn La thăm các điểm di tích như nhà tù Sơn La, Bảo tàng Sơn La, Công trình thủy điện Sơn La hay ngâm mình trong dòng khoáng nóng của bản Mòng bên những vạt rừng hoa ban, hoa đào, hoa mơ, mận nở rộ sẽ khiến cho du khách thấy ngẩn ngơ khi được hòa mình vào muôn vàn sắc hoa. 


 Sơn La hiện còn lưu giữ hơn 100 di tích lịch sử văn hóa và di chỉ khảo cổ. Đến với thành phố Sơn La, cụm di tích nhà tù Sơn La, bảo tàng Sơn La là những điểm đầu tiên du khách muốn đến tham quan. Nhà tù Sơn La, di tích cách mạng được xếp hạng quốc gia đợt đầu tiên năm 1962, nằm trên đỉnh đồi Khau Cả. Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500m2. Nhà tù xây dựng khá kiên cố, tường được xây dựng bằng đá lẫn gạch, mái lợp tôn, không có trần, giường nằm cho tù nhân cũng được xây bằng đá, mặt láng xi măng, mép ngoài được gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài của sàn. Dù bị thực dân Pháp giam giữ và tra tấn hà khắc nhưng các chiến sĩ cộng sản Việt Nam đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, là nơi ươm những hạt giống đỏ để phong trào cách mạng ở Tây Bắc đơm hoa, kết trái sau này. Mỗi năm, nhà tù Sơn La đón tiếp hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập để được trải nghiệm, hồi tưởng lại cuộc chiến tranh đã diễn ra hơn một thế kỷ qua. 


Bảo tàng Sơn La nằm trong khuôn viên di tích lịch sử Bảo tàng và Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng năm 1908. Bảo tàng là nơi lưu giữ  những nét văn hóa đặc sắc của 12 dân tộc anh em sống ở Sơn La với hàng ngàn di vật từ thời tiền sử, sơ sử, được tìm thấy ở địa phương. Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ được bộ sưu tập sách chữ  của người Thái, người Dao với gần 1000 cuốn thuộc các thể loại như sử thi, trường ca, truyện thơ dân gian. Chị Nguyễn Hải Dương, hướng dẫn viên của bảo tàng giới thiệu: Đây là không gian trưng bày 12 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Sơn La. Sơn la là một tỉnh miền núi ở phía Tây Bắc của Việt Nam có 14. 200.000 km2, có 12 dân tộc an hem sinh sống nhưng trong đó dân tộc Thái chiếm đến 55%, tiếp đến là dân tộc Kinh, Mông…Đây là những cuốn sách Thái cổ ở Sơn La. Người Thái biết làm giấy từ lâu đời. Họ làm giấy từ cây gió, tre non. Sách của họ được chia thành 3 loại là sách văn học, sách tôn giáo tín ngưỡng, sách về lịch sử. 


Nhà máy thủy điện Sơn La, công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á không chỉ đóng góp cho đất nước mỗi năm hơn 10 tỷ KW điện mà còn là điểm đến thú vị với nhiều du khách khi đến với Sơn La. Từ thành phố Sơn La đi chừng hơn một giờ đồng hồ, vượt qua những cung đường với hai bên là núi rừng bạt ngàn, đến xã Ít Ong, huyện Mường La, du khách không khỏi choáng ngợp trước một màu xanh bất tận của phong cảnh hồ Thủy điện Sơn La. Không êm đềm, lặng lẽ như hồ Đại Lải ở Vĩnh Phúc hay hồ Ba Bể ở Bắc Kạn, cũng không giống như Hồ Xuân Hương ở Đà Lạt, mà hồ Thủy điện Sơn La làm xao xuyến tâm hồn du khách bởi dòng nước mênh mang giữa đất trời còn chứa bao vẻ đẹp hoang sơ và những lớp sóng xô bên bờ đập ngăn nước cao hàng trăm mét. Chị Hoàng Lan, du khách ở Bắc Giang, chia sẻ cảm xúc khi lần đầu tiên đến với vùng đất này: Đây cũng là lần đầu tiên tôi được đến tham quan lòng hồ thủy điện. Đây đối với tôi giống như một cái hồ lớn ở bên trong thung lũng, cảnh vật thì hoang sơ. Sau một ngày trải nghiệm tôi thấy màu sắc của cảnh quan thì thay đổi liên tục, tôi thấy được vẻ đẹp và sự hùng vĩ  của cảnh quan nơi đây. Tôi thấy thật sự quyến luyến khi chia tay với người dân ở đây và mong có dịp trở lại để được tìm hiểu thêm về cuộc sống người dân hơn nữa. 


Một điểm đến du khách không nên bỏ qua là bản Mòng, xã Hua La, cách trung tâm thành phố Sơn La 6km về phía Tây Nam, bản Mòng, là nơi có cảnh quan hùng vĩ với dãy núi nhấp nhô hòa quyện vào nhau như thân rồng uốn lượn quanh bản. Ông Nguyễn Hồng Thắng, giám đốc một công ty lữ hành ở Hà Nội, cho biết: Khi mọi người đến với bản Mòng, du khách đến tắm nước khoáng nóng, nghỉ lưu trú và thưởng thức ẩm thực của người Thái. Ở đây người Thái tự kinh doanh theo kiểu gia đình. Cái khác biệt ở bản Mòng có nước khoáng nóng, đến tắm để chữ bệnh hoặc sử dụng nước khoáng để uống. Mọi người đến thưởng thức ẩm thực của người Thái. 


Đến đây du khách được thỏa sức đằm mình bên suối nước nóng thiên nhiên. Du khách có thể tùy thích chọn cho mình một phòng tắm ưng ý để thỏa sức ngâm mình, tận hưởng cảm giác khoan khoái của dòng nước khoáng thiên nhiên ban tặng. Để rồi bước tiếp lên nhà sàn thưởng thức ẩm thực của người Thái với các món ăn như cơm lam thơm ngậy, thịt trâu gác bếp thơm nồng và nhâm nhi chén rượu được nấu bằng men lá. Để rồi tất cả chủ và khách cùng hòa mình cất lên những lời ca, điệu múa, tay trong tay bên vòng xòe giã vang dậy cả một vùng. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
đinh thị huyền
Cho em hỏi là Sơn la có tổng cộng bao nhiêu lễ hội truyền thống của các dân tộc ạ