Vaccine phòng COVID-19 đang về Việt Nam với số lượng lớn, nhưng nhiều chủng loại. Do đó, Bộ Y tế cần phân bổ hợp lý cho từng địa phương để đảm bảo tiến độ tiêm nhanh nhất có thể, nhất là tại các tỉnh miền Tây và khu vực Tây Nguyên, nơi đang có diễn biến dịch phức tạp. Đây là một trong những vấn đề trọng tâm được Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19 nhấn mạnh tại cuộc họp diễn ra sáng 03/11 bàn về Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban chỉ đạo, chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh buổi làm việc. Nguồn: moh.gov.vn |
Tại cuộc họp, nhiều chuyên gia đồng tình với việc phòng chống dịch phải được tiến hành thường xuyên lâu dài trên cơ sở áp dụng đồng bộ tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị, thực hiện yêu cầu 5K, đề cao ý thức người dân và áp dụng công nghệ thông tin… bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, đảm bảo cho người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất ngay từ cơ sở…
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với dịch bệnh COVID-19 với những biện pháp mới sẽ được thực hiện trong thời gian tới khi tỷ lệ bao phủ vaccine đạt cao. Còn trong giai đoạn hiện nay vẫn cần thực hiện các biện pháp ngăn chặn, khoanh vùng, các ly y tế một cách mềm dẻo, linh hoạt… Về việc tổ chức cho học sinh trở lại trường học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: “Nhu cầu đi học của trẻ em đang được đặt ra vì các em học trực tuyến quá lâu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển. Về nguyên tắc, vùng xanh là được đi học. Các địa phương cố gắng bố trí cho học sinh đi học trong điều kiện có thể. Hiện nay có tâm lý chờ tiêm đủ vaccine cho trẻ mới cho đi học, nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới chỉ khuyến cáo tiêm cho trẻ từ 12-17, dưới 12 WHO chưa hướng dẫn. Việt Nam tiêm sớm cho trẻ nhưng những gì trái với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới thì cần cân nhắc.