Tọa đàm "Cho và nhận - Bài học cuộc đời" nhân ngày hội sách và văn hóa đọc Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Mỗi độc giả sẽ tìm thấy những điều thích thú của riêng mình, với những đúc kết của tác giả qua các chuyến đi nước ngoài, tính cách vùng miền, những câu chuyện trong quân ngũ của tác giả,
Buổi giao lưu với Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, tác giả cuốn sách “Cho và nhận - Bài học cuộc đời” diễn ra ngày 15/4 tại Hà Nội dp NXB Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Đây là một trong số chuỗi các hoạt động của Ngày hội sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022.
Tiến sĩ Lê Doãn Hợp chia sẻ: “Cuộc đời tôi nghiệm từ trong gia đình, đi học, vào Nam chiến đầu, về quê hương, ra Hà Nội, đi khắp thế giới nhưng điều tôi thấm thía nhất là hai chữ “cho” và “nhận”. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng cho là cho của cải, vật chất, cái đó là có giới hạn, cái cho quý nhất là cho trí tuệ, niềm tin, kinh nghiệm, bài học, cho sách hay... Cái đó tạo ra rất nhiều giá trị không ai đo đếm được. Tôi được nhận cái đó rất nhiều” .
Tiến sĩ Lê Doãn Hợp từng trải qua những tháng ngày trong quân ngũ, rồi về Nghệ An giữ các chức vụ như: Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy, sau đó ra Hà Nội giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông… Ở các vị trí khác nhau, phụ trách nhiều lĩnh vực khác nhau, những trải nghiệm sâu rộng đó đã góp phần làm dày lên vốn sống của ông.

Chia sẻ tại buổi giao lưu, Tiến sĩ Lê Doãn Hợp cho biết, ngoài gia đình và nhà trường thì “trường đời” rộng lớn ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển của mỗi một con người.

Tọa đàm "Cho và nhận - Bài học cuộc đời" nhân ngày hội sách và văn hóa đọc Việt Nam - ảnh 1
Tiến sĩ Lê Doãn Hợp chia sẻ về cuốn sách "Cho và nhận - Bài học cuộc đời" tại buổi giao lưu - Ảnh: Báo Lao động thủ đô

NXB Phụ nữ cho biết: "Nhận thấy những bài học đó có giá trị với số đông, có giá trị về lâu dài, Nhà xuất bản đã xin phép tác giả tuyển chọn một số bài viết của ông (từng đăng lên báo, sách trước đó) và bổ sung thêm một số bài viết mới, đăng trong cuốn sách “Cho và nhận - Bài học cuộc đời” xuất bản đầu năm 2022."

Cuốn sách gồm 8 phần, mỗi phần kết nối với một bài học cho và nhận khác nhau, với những môi trường khác nhau: Bài học từ nhà trường; Bài học từ sách; Bài học từ trong quân ngũ; Bài học từ thế hệ đi trước; Bài học từ các doanh nhân; Bài học từ các nước trên thế giới; Bài học từ thực tiễn; Bài học từ gia đình.

Trong lời nói đầu của cuốn sách, tác giả viết: “Gần như cả cuộc đời tôi cần mẫn thực thi ba chữ “cho và nhận”. Cho đạo đức, nhận yêu thương. Cho vật chất, nhận tinh thần. Cho thông tin, nhận niềm tin. Cho tầm nhìn, nhận trí tuệ. Cho tình thương, nhận tình người. Cho tâm linh, nhận an bình. Cho từ thiện, nhận yên lành. Cho lời khuyên, nhận tín nhiệm. Cho sách hay, nhận kiến thức. Cho niềm vui, nhận nụ cười. Cho việc làm, nhận hạnh phúc…

Cho và nhận luôn làm nhân quả cho nhau, cả vật chất, niềm tin và văn hóa. Suy đến cùng, tất cả những gì vợ con và mọi người cho mình hôm nay, đều là những thứ mình phải trao cho vợ con và mọi người từ trước. Bởi tất cả những gì cho đi đều còn mãi với lòng người và thời gian. Cuốn sách “Cho và nhận - Bài học cuộc đời” phản ánh một phần công việc thầm lặng và nhân văn đó”.

Với những thông điệp đó, qua cuốn sách, các bậc làm cha, làm mẹ có thể tìm thấy những bài học về việc nuôi dạy con. Những người đang nuôi ước mơ hay đang giữ các chức vụ cao có thể tìm thấy những bài học trong công tác quản lý, đào tạo cán bộ, dám làm, dám chịu, cũng như cách ứng phó các vụ việc phức tạp.

Mỗi độc giả sẽ tìm thấy những điều thích thú của riêng mình, với những đúc kết của tác giả qua các chuyến đi nước ngoài, tính cách vùng miền, những câu chuyện trong quân ngũ của tác giả mang đến cảm giác tin yêu, tự hào đối với các “anh bộ đội cụ Hồ”. Đồng thời, thông qua cuốn sách tác giả mong thế hệ trẻ hãy đón nhận sách hay để có nhiều trí tuệ tốt hơn.

Tiến sĩ Lê Doãn Hợp tâm sự: “Tôi hay tổng kết thành ít chữ để dễ nhớ, dễ làm, nên nhiều người gọi tôi là Bộ trưởng hay cho chữ, ông Tổng kết… Có người thích, cũng có người chê. Với tôi nếu thấy có ích thì làm, đúng thì làm bằng được, không lùi bước”. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu