Sáng nay (11/3), tại Thanh Hóa, diễn ra lễ kỷ niệm 1775 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (ngày 22/2/248 - 22/2/2023) và lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội đền Bà Triệu.
Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức hằng năm để tưởng nhớ vị anh hùng Triệu Thị Trinh - người lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Ngô năm 248. Buổi lễ diễn ra với các nghi thức truyền thống, như: lễ cúng, rước kiệu Bà, trình tấu Chúc văn trên đền Bà... Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản quốc gia đặc biệt và lễ hội di sản quốc gia đền Bà Triệu trong thời gian tới sẽ tiếp tục được gìn giữ, vun đắp, trao truyền và gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa bảo tồn di sản văn hoá với phát triển kinh tế, du lịch, góp phần giới thiệu quảng bá những giá trị lịch sử, văn hoá tốt đẹp của đất và người xứ Thanh đến bạn bè trong nước vào quốc tế.
Trong khi đó, tại thành phố Sơn La, sáng nay (11/3), diễn ra hội thảo Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Đây là sự kiện mở màn Lễ hội Mùa hoa Ban năm 2023. Thành phố Sơn La có 12 dân tộc anh em chung sống, trong đó chiếm đa số là đồng bào dân tộc Thái với nhiều nét văn hóa độc đáo. Tại Hội thảo, bà Hoàng Thị Mai, nghệ nhân ưu tú tâm huyết với việc lưu giữ, truyền dạy các làn điệu dân ca dân tộc Thái, chia sẻ: Tôi là người Thái đen sinh ra và lớn lên ở Sơn La nên tôi rất hiểu về chữ và làn điệu dân ca của dân tộc. Năm nay tôi 75 tuổi mà tôi biết hát từ năm 6 tuổi. Từ năm 2012 đến nay, tôi đã mở lớp dạy chữ Thái, hát Thái cho từ người trẻ đến già. Tôi nghĩ các cấp, các ngành cần mở rộng, có thêm những lớp truyền dạy ngôn ngữ, làn điệu dân ca... để có thể lưu giữ được mãi mãi.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: VOV
|
Nhiều giải pháp khác được đưa ra tại hội thảo, như: phục dựng và duy trì lễ hội truyền thống: Lễ hội Sên bản, Hạn Khuống, Lễ hội Mùa hoa Ban; giữ gìn, bảo tồn trang phục truyền thống gắn với phục dựng làng nghề thêu, dệt thổ cẩm; phát triển văn hóa ẩm thực dân tộc; tổ chức các cuộc thi sáng tác, phổ biến văn học nghệ thuật dân tộc Thái.
Trước đó, hôm qua (10/3), tại Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang, huyện miền núi Đông Giang, phía Tây tỉnh Quảng Nam, khai mạc Lễ hội mùa xuân Cổng Trời Đông Giang lần thứ nhất năm 2023. Lễ hội diễn ra từ 10 đến 12/3 với chuỗi 18 hoạt động. Điểm nhấn của lễ hội là hoạt động trải nghiệm văn hóa bản địa, như: múa tung tung da dá, mừng lúa mới... có sự tham gia của hàng chục nghệ nhân người Cơ Tu tại địa phương. Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, chia sẻ: Chúng tôi kỳ vọng rằng Dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang sẽ tiên phong khởi động để nhiều dự án tiếp theo sẽ được các doanh nghiệp đầu từ vào khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam.