Theo thông tin từ nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời vào lúc 5h sáng 6/7, hưởng thọ 74 tuổi. Trước đó, bà mắc căn bệnh Alzheimer's trong suốt 14 năm dài.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949 tại Quảng Bình, sống tại Huế và những năm gần đây chuyển vào TP.HCM cùng gia đình. Bà là vợ của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng học Trường viết văn Nguyễn Du, sau bà làm phóng viên, biên tập viên Tạp chí Sông Hương của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế.
Bà là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978. Bà đã tham gia khóa đào tạo tại Học viện Gorki (Liên Xô cũ) và là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III và IV.
Những tác phẩm của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Trái tim sinh nở (thơ, 1974); Bài thơ không năm tháng (thơ, 1983); Danh ca của đất (truyện thiếu nhi, 1984); Nai con và dòng suối (truyện thiếu nhi, 1987); Phần thưởng muôn đời (truyện thiếu nhi, 1987); Hái tuổi em đầy tay (thơ, 1989); Nhạc sĩ Phượng Hoàng (truyện thiếu nhi, 1989); Mẹ và con (thơ, 1994); Đề tặng một giấc mơ (thơ, 1998); Cốm non (thơ, 2005); Tuyển tập thơ và truyện thiếu nhi (2006); Hồn đầy hoa cúc dại (thơ, 2007); Khoảng trời - Hố Bom (thơ, 1972); Chuyện cổ nước mình (thơ, 1978).
Năm 2005, tập thơ Cốm non (Green rice) của bà được dịch ra tiếng Anh, in và phát hành tại Hoa Kỳ.
Những bài thơ như Truyện cổ nước mình, Khoảng trời - Hố bom của bà đã được giảng dạy trong chương trình văn học phổ thông, trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả.
Trong sự nghiệp sáng tác, bà đoạt Giải Nhất cuộc thi thơ báo văn nghệ 1971-1973. Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ Bài thơ không năm tháng. Giải A thơ của Ủy ban toàn quốc các Hội LHVHNT Việt Nam năm 1999. Giải A thơ Giải thưởng văn học Nghệ thuật Cố đô (1998-2004) của UBND tỉnh và Hội LH VHNT Thừa Thiên Huế.
Năm 2007, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 3 tập thơ: Trái tim sinh nở (1974), Bài thơ không năm tháng (1983) và Đề tặng một giấc mơ (1988).
Nhận xét về thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Hồ Thế Hà từng viết: "Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ giàu ý tứ. Tứ thơ bao giờ cũng là bất ngờ. Hình như không tạo được tứ lạ thì bài thơ vẫn còn trong dự tưởng.". Còn nhà thơ Ngô Văn Phú cũng nhận định: "Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ hay ở những chỗ bất thần, ngơ ngác và những rung cảm đầy nữ tính".
Sự ra đi của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ để lại niềm tiếc thương đối với bạn bè, đồng nghiệp giới văn chương. Nhà văn Nguyễn Quang Lập bày tỏ niềm xót thương: "Chị đi nhé, yêu thương chị vô cùng!".
Biên kịch Nguyễn Thủy tiếc thương viết: "Ngày mình được thầy dẫn vào Huế lần đầu, mình yêu Huế hơn vì người phụ nữ mình gặp là cô Lâm Thị Mỹ Dạ. Cô cùng quê với thầy, nhưng với mình, cô vẫn "rất Huế", dịu dàng nữ tính, chăm chút và đẹp vô cùng, cô vẫn giữ lại "khoảng trời" sau bao những "hố bom" cuộc sống. Sáng nay, ở thành phố lạ, nghe tin cô mất rồi. Tim hẫng đi một nhịp, thương tiếc cô một cây bút tài hoa, một người đàn bà đẹp".