(VOV5)- Nhìn từ xa, chùa Đống Lim nằm bên hồ Thạch Bàn, thuộc phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội cũng giống như bao ngôi chùa làng ở các vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Thế nhưng, phía sau cánh cửa Phật linh thiêng, tĩnh lặng ấy lại có một lớp học hát chèo từng tồn tại hơn 20 năm nay với những con người đầy lòng ham mê, nhiệt huyết với những điệu múa, câu hát chèo ngày ngày vang lên giữa chốn thiền tự.
Điều đặc biệt là người thày dạy hát chèo lại là một nhà tu hành, Đại Đức Thích Thanh Phương, trụ trì chùa Đống Lim. Đại Đức Thích Thanh Phương, trước khi xuất gia tên là Lê Văn Quảng, vốn sinh ra trong gia đình có cả cha và mẹ đều là diễn viên hát Tuồng. Từ năm 9 tuổi, cậu bé Quảng từng theo cha mẹ đi diễn Tuồng khắp các làng quê rồi khi lớn lên Lê Văn Quảng cũng có thời gian dài học nghệ thuật hát Tuồng tại trung tâm văn hoá nghệ thuật ở Mai Dịch.
Cứ ngỡ cuộc đời ông sẽ tiếp nối truyền thống gia đình, nào ngờ số phận đã đưa Lê Văn Quảng đến với cửa Phật như một cái duyên. Từ một nghệ sỹ Tuồng, sau này ông lại say mê với nghệ thuật hát Chèo, bởi cái tính dân giã, gần với đời sống người dân, nhất là gần gũi với đạo Phật. Nhờ khổ luyện ông đã trở thành một nghệ sỹ hát Chèo thực thụ. Dù đã an phận ở chốn thiền tự, song nhà sư vẫn gắn bó với nghệ thuật hát Chèo. Bằng thiện tâm của nhà tu hành, ông tổ chức lớp dạy hát Chèo ngay sau chùa Đống Lim.
|
Điệu múa nghi lễ của Phật giáo Giải oan tích kết do Đại đức Thích Thanh Phương trụ trì và tăng ni phật tử chùa Đống Lim, Long Biên, Hà Nội trình diễn tại Hà Nội - anh;dantri.com.vn |
Đại Đức Thích Thanh Phương tâm sự: điều quan trọng là có năng khiếu và yêu bộ môn nghệ thuật này. Được cống hiến tài năng cho đời, mà lại đem tài năng ấy để cảm hoá, gieo vào lòng Phật tử những nhiều tốt đẹp, hăng hái làm việc thiện thì cuộc đời càng tốt đẹp. Nhà sư tâm sự: “ Quan trọng là mình yêu thích nó và qua thực tế thấy rất nhiều em có năng khiếu nhưng để thi vào trường nghệ thuật là rất khó khăn, mình thấy thế thì thương chúng nó, nên tìm cách tạo dựng cho các em được học hành để sang năm sau các em có thể thi vào trường. Đầu tiên chỉ có ý định như thế, vừa truyền thụ vừa tạo dựng công ăn việc làm cho các em mà không thu bất cứ khoản tiền nào, các em tập tành, đi diễn được đồng nào thì được, không phải đóng góp để học tập”
Cùng chung niềm đam mê nghệ thuật hát chèo, nên mỗi buổi lên lớp, thầy say sưa truyền dạy từng điệu múa, câu hát, trong khi trò cuốn hút trong từng vai diễn, trích đoạn hát Chèo…Cứ như vậy ngày ngày những làn điệu Chèo ngân vang theo lớp học.
Diễn chèo là nghệ thuật kịch diễn xướng cần phải khổ luyện, do vậy diễn viên phải nỗ lực từng ngày, cùng với đó thày cũng phải uốn nắn từng động tác, từng cử chỉ, ánh mắt cho từng vai diễn. Nhiều giảng viên từ các trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương hay các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Việt nam cũng đã được mời về truyền thụ cho lớp học. Kính trọng tấm lòng của một người tu hành luôn trăn trở với bộ môn nghệ thuật truyền thống, nên nhiều thày cô, các nghệ sỹ không quản ngại khó khăn đến lớp cùng truyền dạy những tinh hoa văn hoá của nghệ thuật hát Chèo. Bà Nguyễn Thị Biên, nghệ sỹ Nhà hát Chèo Việt nam, chia sẻ:“Trong khi cuộc sống bên ngoài đang sôi động, thế nhưng ở nơi cửa Phật vẫn có nơi giữ gìn, phát triển nghệ thuật hát chèo là điều đáng quý. Ở đây thày dạy nhiều lắm, chăm lo cho lớp học sinh, ngay cả đoàn chèo của chúng tôi cũng đã có bao nhiêu người từng là học sinh của thày, được thày đào tạo từ đây. Thày mở lớp này là việc làm đáng trân trọng, bởi thầy đã giữ gìn được bản sắc dân tộc, nhất là trong thời buổi hiện nay nhiều người đang dần lãng quên bộ môn nghệ thuật này”.
Hơn 20 năm qua, lớp học hát Chèo của Đại Đức Thích Thanh Phương đã góp phần đào tạo hơn 300 học viên. Nhiều học viên trưởng thành ở lớp học chùa Đống Lim đã trở thành những diễn viên của Nhà hát Chèo Việt nam, trở thành những diễn viên trụ cột của các nhà hát chèo ở các địa phương như: Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh…Ngày nay lớp học hát Chèo vẫn được duy trì đều đặn ở chùa Đống Lim. Xem các diễn viên trong đời thường hoá thân trên sân khấu, nhiều người không khỏi cảm phục khi thấy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc đã và đang được những tấm lòng tâm huyết bồi đắp, tiếp nối trong cuộc sống hiện đại./.