Nhân dịp đầu xuân năm mới Kỷ Hợi 2019, hôm nay (10/2, tức Mùng 6 tháng Giêng), Sở VH-TT-DL tỉnh Gia Lai tổ chức Khai mạc Lễ hội mùa xuân tạo không gian vui xuân cho người dân và tô thắm tình đoàn kết các dân tộc trong tỉnh.
|
Màn trình diễn cồng chiêng của người Jarai. |
Dưới bóng mát của tán những cây thông cổ thụ trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Lễ hội mùa xuân các dân tộc trong tỉnh diễn ra rộn ràng, vui tươi. Không gian văn hóa rất đa dạng khi hội tụ văn hóa điển hình của 34 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn. Các nghệ nhân đại diện cho các dân tộc bản địa như Jarai, Ba Na và các dân tộc miền núi phía Bắc hay miền Nam đều có những màn biểu diễn đặc sắc.
|
Múa sạp của người Mường |
Sau màn biểu diễn cồng chiêng rộn rã của người Jarai là đến điệu Múa Khèn của người H’mông, rồi điệu Múa Xòe, múa Sạp của người Mường, màn Hát Then, đàn Tính của người Tày, người Nùng.
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Gia Lai cho biết, qua việc tổ chức Lễ hội mùa xuân, tỉnh hướng đến bảo tồn những di sản văn hóa và tạo sự kết nối, đoàn kết giữa cộng đồng dân tộc đang sinh sống trên địa bàn.
|
Người Jarai bán rau củ quả lại Lễ hội mùa xuân |
“Chúng tôi tổ chức Lễ hội mùa xuân các dân tộc tỉnh Gia Lai nhằm mục đích tôn vinh các sắc màu văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Năm nay, chúng tôi đã tổ chức một số nét văn hóa đặc sắc, tổ chức các trò chơi của các dân tộc, những trò chơi của các vùng miền. Những hoạt động này mang đậm sắc thái của các dân tộc, kết nối giao thoa, giao lưu giữa các dân tộc vùng miền, góp phần tạo nên sức sống mới của các dân tộc trên mảnh đất Gia Lai” - ông Nguyễn Đức Hoàng chia sẻ.
|
Biểu diễn nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên |
Cùng với không gian văn hóa, tại Lễ hội mùa xuân năm nay của tỉnh Gia Lai, còn diễn ra các trò chơi dân gian thú vị, vui nhộn, như: trèo cây lấy thưởng, giã gạo, đi cà kheo, ném còn, chơi ô ăn quan, kéo co... đáp ứng nhu cầu giải trí, vui chơi, gắn kết cộng đồng. Bên cạnh đó, người dân, du khách cũng được thưởng thức văn hóa ẩm thực truyền thống của các dân tộc từ khắp mọi miền của đất nước như: cơm lam, gà nướng và các món truyền thống của người Tây Nguyên, món Mèn Mén, Thắng Cố của cảc dân tộc Vùng Tây Bắc, các món bánh của người Kinh.
Đặc biệt, không gian chợ đầu xuân với những mặt hàng nông sản, nông cụ cũng mang lại màu sắc tươi mới cho lễ hội.
Lần thứ 3 tham gia Lễ hội mùa xuân của tỉnh, chị Puih H’Soen, làng Ốp, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku cho biết, năm nào chị em trong làng cũng mang những loại rau củ quả trồng trong vườn ra bán. Việc mua bán cốt là để mang lại niềm vui cho ngày đầu xuân.
Đến vui chơi trong Lễ hội mùa xuân, chị Trần Thị Minh Hợi, phường Tây Sơn, thành phố Pleiku cho biết, việc tổ chức những không gian vui xuân lành mạnh, vui tươi và ý nghĩa như vậy nên được phát huy để người dân có thêm những điểm đến trong ngày xuân.
“Đây cũng là một nơi để cho mình có thể đi du xuân, tham quan trong những ngày xuân này. Mình đến thì có thể vừa vui hội, vừa có những không gian trải nghiệm khác để tham gian trong ngày xuân này. Mọi người có thể xin chữ đầu năm, trẻ em có thể chơi nặn tò he, hoặc các món ăn ẩm thực khác, còn người lớn mình thì có thể đi chợ, mình cũng vừa đi chợ xong” - chị Minh Hợi bày tỏ.
Công Bắc/VOV - Tây Nguyên